Hậu Covid khi nào cần đi khám?
Đại dịch SARS-CoV-2 hiện đã lan ra ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có thể nói, đây là đại dịch có tốc độ lây lan nhanh chóng, làm ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế, xã hội, sự phát triển của đất nước và đặc biệt là sức khỏe con người. Dù hiện nay trên thế giới đã phát minh ra vacxin và thuốc chữa để phòng chống Covid-19 nhưng hàng ngày vẫn còn hàng trăm ngàn người mắc phải. Rất nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi, tình trạng sức khỏe đang dần được hồi phục nhưng đâu đó vẫn còn nhiều người đang gặp phải những biến chứng do virus gây ra, hay còn được gọi là hậu Covid. Điều này đã gây ra những sự hoang mang nhất định cho người bệnh vì họ không biết hậu Covid có phải ai cũng bị và khi nào thì cần đi khám?
1. Hậu Covid là gì?
Tất cả các mặt bệnh đều ít nhiều để lại di chứng. Những di chứng sau khi mắc bệnh để lại thì được gọi là hậu (hậu ở đây có thể là do bệnh để lại hoăc có thể do biến chứng của bệnh để lại). Tỷ lệ di chứng của mỗi loại bệnh là khác nhau, có những mặt bệnh để lại di chứng với tỷ lệ rất cao, gặp ở hầu hết người bị bệnh như: Tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim...
Hậu Covid là tình trạng những người sau khi mắc Covid-19 đã được chữa khỏi nhưng vẫn còn để lại di chứng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định thì sau khi đã được chữa khỏi, đa số bệnh nhân đều phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có khoảng 10 - 20% người bệnh vẫn bị ảnh hưởng lâu dài bởi Covid-19 và có những biểu hiện khác nhau từ nhẹ đến nặng. Lúc này, bệnh nhân sẽ gặp phải một loạt các vấn đề mới liên quan đến tình trạng sức khỏe trong khoảng bốn tuần tính từ lần đầu tiên bị lây nhiễm virus Corona.
Tình trạng hậu Covid thường được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như: hội chứng Covid kéo dài, di chứng Covid, Covid-19 hậu cấp tính, Covid mãn tính hoặc tác động lâu dài của Covid. Theo như WHO định nghĩa thì hậu Covid là tình trạng bệnh lý diễn ra ở những đối tượng có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 thường xuất hiện trong vòng 3 tháng bắt đầu từ thời điểm khởi phát Covid-19 và kéo dài ít nhất 2 tháng. Hiện nay, các chuyên gia trên toàn thế giới cũng đang nỗ lực tìm hiểu về những ảnh hưởng mà hậu Covid có khả năng đem đến cho sức khỏe người bệnh.
2. Tại sao bị hậu Covid?
Đối với những người bị mắc Covid-19, tất cả các cơ quan trong cơ thể hầu như đã bị tấn công ở giai đoạn cấp tính. Vậy nên, những bệnh nhân sau khi đã khỏi bệnh có thể đã bị tổn thương dẫn đến thường gặp một số triệu chứng sau khi đã khỏi Covid như: mệt mỏi, khó thở, tức ngực, stress, rối loạn chức năng nhận thức,....Những triệu chứng này chủ yếu là do hội chứng hệ hô hấp gây ra.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện nay khi mới phục hồi sau đợt mắc Covid-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu, nó được thay đổi hoặc tái phát theo thời gian. Vậy tại sao bị hậu Covid? Trên thực tế, tình trạng bệnh này gây ra chủ yếu là do phản ứng viêm, xơ hóa, cytokine và rối loạn máu đông bởi virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể là vì tổn thương do di chứng bệnh nền hoặc sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện. Trong đó, tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nhất mà hậu Covid gặp phải đó là xơ hóa phổi, tắc mạch phổi và tổn thương đa cơ quan. Những bệnh nhân bị mắc bệnh và phải nhập viện do tình trạng nặng thường có nguy cơ mắc hội chứng hậu Covid cao hơn so với những bệnh nhân chỉ bị nhẹ.
Hậu COVID cũng như các bệnh khác, gặp phổ biến nhưng không phải là không điều trị được và hầu hết thể nhẹ tự khỏi được với các phương pháp luyện tập thông thường sau:
- Vận động thể thao
- Tập thở
- Dinh dưỡng, ngủ đủ và lành mạnh, đúng giờ
- Lắng nghe cơ thể, nếu thấy có bất ổn thì đi khám kiểm tra
- Tìm hiểu bệnh tật trên các kênh/trang thông tin chính thống, tin cậy.
3. Những ai thường bị di chứng hậu Covid?
Nhiều người vẫn luôn thắc măc có phải ai cũng bị hậu Covid? Thực tế, hậu Covid không phải ải cũng bị sau khi đã chữa khỏi. Theo khuyến cáo của chuyên gia, các đối tượng sau dễ mắc hậu covid:
- Nhóm người có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa, mạch vành, đái tháo đường,....
- Nhóm người phải nhập viện khi mắc Covid-19 do bị suy hô hấp, sốt cao, những người phải can thiệp thở oxy, thở bằng máy trở lên,....
- Nhóm người từ 60 tuổi trở lên vì họ có thể đã bị các bệnh khác nhưng chưa khởi phát, chỉ sau khi mắc Covid-19, những bệnh này mới bị thúc đẩy tình trạng và trở nên nặng hơn.
Dù những người bị Covid-19 ở mức độ nặng có thể sẽ để lại nhiều di chứng tàn phá cơ thể nhưng cho đến nay vẫn chưa thể xác định chính xác sự tương quan giữa mức độ bệnh Covid và hậu Covid. Điều này có nghĩa là ngay cả những người dù chỉ có những biểu hiện nhẹ khi bị nhiễm cũng có thể có nguy cơ mắc di chứng hậu Covid.
4. Khi nào đi khám hậu Covid?
Hậu Covid-19 là vấn đề sức khỏe được người dân quan tâm, lo lắng, nhất là những bệnh nhân vừa hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh. Vậy khi nào cần đi khám hậu Covid? Dù hội chứng hâu Covid thường xảy ra đối với những người đã mắc Covid nhưng khong phải tất cả mọi người đều cần đi khám hậu Covid, như vậy sẽ rất lãng phí.
Nếu xuất hiện các triệu chứng hô hấp ở hội chứng hậu Covid-19 (khó thở, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực,…) thì việc đến khám tại các cơ sở y tế sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý sớm những di chứng phổi sau Covid-19.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược tiếp cận toàn diện về đánh giá và chăm sóc tình trạng hậu Covid-19 cho người bệnh cũng như cần phối hợp đa chuyên khoa trong quản lý, điều trị và theo dõi bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 do tổn thương đa cơ quan. Đặc biệt cần chú ý phục hồi chức năng sớm nhất có thể và thích hợp.
Các chuyên gia khuyến cáo các trường hợp sau thì cần đi khám hậu Covid:
- Những người phải có triệu chứng của hậu Covid-19, kể cả nhóm F0 mức độ nhẹ.
- Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi/điều trị ICU thì sau khi ra viện sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần.