Trong làn sóng covid lần thứ 4, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề với tâm điểm là thành phố Hồ Chí Minh. Để đảm bảo sức khỏe trong đại dịch thì chúng ta phải luôn nhớ 5K và tham gia tiêm vacxin ngay khi có thể - đó chính là loại vacxin tốt nhất cho bạn. Để mọi người bớt lo sợ với dịch bệnh covid, bác sĩ chia sẻ một số thông tin giúp bạn tự tin hơn để an toàn trong đại dịch.

1. Các triệu chứng điển hình của covid-19

- Sốt

- Ho

- Đau họng

- Mất vị giác/khứu giác

- Đau cơ

- Đau đầu

Nếu có các triệu chứng trên, phải gọi điện ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xét nghiệm. Khi xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính thì nghĩa là bạn đã bị bệnh covid-19 (F0).

2. Tiêu chuẩn người bệnh F0 là mức độ nhẹ

- Có các triệu chứng không đặc hiệu như: sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mất vị giác/khứu giác, tiêu chảy,…

- Nhịp thở (Tần số thở) < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời

- Tỉnh táo, tự phục vụ bản thân được

- (Nếu có) X-quang phổi bình thường hoặc có ít tổn thương.

Chú ý: các người thể trạng béo, có bệnh lý nền, mang thai thì dễ chuyển sang các mức độ nặng hơn.

3. Điều kiện F0 được cách ly tại nhà

(Nội dung này tùy theo quy định của từng địa phương áp dụng với các mức độ dịch khác nhau)

- Là người bệnh không triệu chứng hoặc mắc bệnh mức độ nhẹ; và phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau: (1) tuổi 1-50, không có bệnh nền, béo phì, mang thai; (2) đã tiêm đủ 2 mũi hoặc tiêm 1 mũi vacxin phòng covid-19 đủ 14 ngày.

- F0 đủ khả năng tự chăm sóc bản thân, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.

- Điều kiện cơ sở vật chất: có phòng riêng dành cho F0, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng. Có bàn/ghế cá nhân đặt trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cần thiết; có thùng/túi rác cá nhân. Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước xúc họng, khẩu trang y tế, nhiệt kế.

4. Điều trị F0 mức độ nhẹ tại nhà hoặc cơ sở y tế

4.1. Điều trị không đặc hiệu

- Hạ sốt: sử dụng Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C

- Giảm ho khi ho nhiều

- Đau họng: sử dụng thuốc ngậm cho họng hoặc chanh + muối tinh, mật ong,…

- Làm thông thoáng mũi họng khi có ngạt mũi: xịt rửa mũi, thuốc nhỏ mũi thông thường, xông mũi bằng tinh dầu,…

- Điều trị tiêu chảy bằng các thuốc thông  thường, bổ sung thêm lợi khuẩn đường ruột.

4.2. Điều trị đặc hiệu

Một số thuốc được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng như:

- Thuốc kháng virus: Favipiravir, Molnupiravir,…

- Kháng thể kháng virus: Casirivimab + Imdevimab, Bamlanivimab + Etesevimab, Sotrovimab,…

4.3. Dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng

- Ăn uống đảm bảo đủ chất, đủ năng lượng, không phải ăn kiêng.

- Uống đủ nước (1,5 – 2 lít/ngày)

- Bổ sung vitamin, vi lượng với tối thiểu liều cơ bản để đảm bảo chuyển hóa tế bào, miễn dịch. Chú ý các vitamin B1/B6/B12/C/D3, kẽm, magie, ...

- Tăng cường hệ thống miễn dịch.

4.4. Phục hồi chức năng

- Tập thở: Làm giãn nở lồng ngực, tăng khả năng tống thải đờm dịch giúp tăng không khí vào phổi.

Tư thế: có 03 tư thế nằm ngửa đầu gối gập 45 độ, tư thế ngồi hay đứng để người bệnh COVID-19 để thực hiện các bài tự tập thở.

Kỹ thuật: tập thở chúm môi (tập thở hoành) - tập ho hiệu quả - tập thở chu kỳ hiệu quả - tập thở với dụng cụ hỗ trợ hô hấp (bóng cao su, bóng bay và dụng cụ chuyên dụng tập chức năng hô hấp Spiroball)

- Tập vận động: gắn liền với hoạt động hàng ngày để duy trì, tăng sức mạnh của cơ vùng chi, thân mình và đầu cổ.

4.5. Hỗ trợ tâm lý

- Hỗ trợ tâm lý xã hội, đặc biệt là tâm lý lo lắng khi biết nhiễm bệnh, và tìm nguồn hỗ trợ khi bị cách ly.

- Tư vấn theo dõi các triệu chứng và nơi liên hệ khi có dấu hiệu/triệu chứng trở nặng.

             Để đảm bảo chăm sóc F0 được tốt hơn, tham khảo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế để có thông tin cập nhật nhất.