Người mắc COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng, như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm. Cơ chế bệnh sinh của bệnh có vai trò của "cơn bão cytokine" và huyết khối mao mạch phổi trong các ca bệnh có suy hô hấp nặng và nguy kịch.

Tổng kết trong các vụ dịch covid có khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp, như: Thở nhanh, khó thở, tím tái..., hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

1. Thời điểm dễ xuất hiện diễn biến nặng

Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày, nhưng có thể sớm hơn từ ngày thứ 5.

Tuy nhiên, tại thời điểm mới xuất hiện bệnh, bác sĩ không thể biết trước bệnh nhân nào sẽ nặng hay nhẹ và không xác định được ngày 7-8 của bệnh nhân không triệu chứng. Do đó, cần coi những bệnh nhân mới phát hiện dương tính trong tuần đầu tiên là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, theo dõi sát, sàng lọc dấu hiệu nặng. Nếu phát hiện các yếu tố nguy cơ hoặc biểu hiện nặng tại bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn này, đặc biệt vào ngày thứ 7-8, bác sĩ cần chuyển người bệnh vào khu điều trị sớm, ngăn ngừa xu hướng diễn biến nặng hoặc hồi sức kịp thời. 

2. Quan trọng triệu chứng lâm sàng hơn mốc thời gian

Thực tế khi điều trị bệnh nhân cho thấy trong khoảng ngày thứ 7 kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ mới có thể xác định được nguy cơ diễn biến nặng, nguy kịch của F0; thế nhưng, việc xác định mốc thời gian là rất khó và mang tính chất tương đối. Yếu tố quan trọng nhất trong việc theo dõi bệnh nhân nCoV là phát hiện được triệu chứng lâm sàng sớm nhất, thay vì chỉ chú trọng vào mốc thời gian.

Trong thời gian đầu theo dõi các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, những yếu tố cơ bản để đánh giá dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng cơ bản như mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và nồng độ ôxy trong máu (SpO2). Đây là những yếu tố người bệnh hoàn toàn có thể tự theo dõi hay thông qua một số trang thiết bị đơn giản.

Bên cạnh sự theo dõi chặt của nhân viên y tế, người bệnh cũng lắng nghe cơ thể mình. Có mệt mỏi quá, có đau ngực, cảm giác có dải bó thắt trong ngực hay không, đặc biệt là tăng lên sau khi hoạt động thể lực. Chẳng hạn sau đi vệ sinh nặng, đi bộ trên 10 mét… mà thấy hụt hơi thì phải báo cho nhân viên y tế".

Ngoài ra, một đặc điểm nữa là nhiều bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện khó thở dù bị tổn thương phổi nặng và suy hô hấp - hiện tượng "không triệu chứng giả". Tình trạng này không mới, đã xuất hiện ở nhiều đợt dịch Covid-19 trong nước, được gọi là "thiếu oxy yên lặng". Nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm tốt và không có đủ thiết bị đo độ bão hòa oxy máu, có thể bỏ sót dấu hiệu khiến bệnh nhân nguy kịch hoặc tử vong.

          3. Triệu chứng cảnh báo diễn biến nặng

Khi các bệnh nhân COVID-19 gặp phải các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm và cần đi cấp cứu ngay như:

- Nhịp thở: người lớn và trẻ em trên 12 tuổi > 20 lần/phút, 1-5 tuổi > 40 lần/phút, 5-12 tuổi > 30 lần/phút; Spo2 < 94%

- Cảm thấy rất khó thở, thở hụt hơi hoặc trẻ em có dấu hiệu bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở rít thì hít vào.

- Đau ngực dai dẳng hoặc cảm giác có áp lực trong lồng ngực.

- Mệt lả, người bứt rứt hoặc thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, trẻ quấy khóc, li bì, khó đánh thức, co giật.

- Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, mất sức sống.

- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 nhịp/phút

- Huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc huyết áp tối thiểu <60 mmHg

Vì thế, người chăm sóc F0 tại nhà cần đặc biệt chú ý. Nếu thấy F0 có triệu chứng diễn biến nặng, người nhà phải lập tức thông báo ngay cho nhân viên y tế để F0 được nhập viện. Đồng thời, người nhà cần bình tĩnh hỗ trợ F0 thư giãn và liên hệ chặt chẽ với nhân viên y tế, tránh hoảng loạn. Việc hoảng loạn chỉ khiến F0 thêm khó thở và mệt mỏi thêm. Nếu nhân viên y tế chưa thể có mặt kịp thời, người nhà hoặc  người bệnh có thể yêu cầu bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc điều trị tạm thời.

Với kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân nCoV diễn biến nặng trong suốt gần 2 năm qua, yếu tố tiên quyết để F0 trở nặng được cứu chính là phân loại, phát hiện sớm triệu chứng và hỗ trợ thuốc, can thiệp kịp thời. Thuốc điều trị sẽ rất hiệu quả nếu được sử dụng đúng giai đoạn phù hợp. Nếu dùng thuốc này sớm hơn hoặc muộn hơn đều có thể khiến bệnh nhân gặp nguy cơ trở nặng. Việc này cần những nhân viên y tế có kinh nghiệm hướng dẫn chứ người dân không nên tự ý sử dụng.