Hiện nay COVID-19 đã và đang bùng phát mạnh, thành đại dịch toàn cầu với nhiều người mắc và tử vong ở nhiều quốc gia. Vì vậy, cần biết các triệu chứng, nguy cơ của bệnh để chẩn đoán phát hiện sớm, nhằm xử trí, can thiệp kịp thời, tránh bị biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả tính mạng. 

A - Người lớn tuổi

Bất kỳ mọi lứa tuổi, mọi độ tuổi, giới tính, đều có nguy cơ nhiễm bệnh covid-19. Tuy nhiên, Covid-19 có xu hướng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn ở người trung niên và lớn tuổi. Nguy cơ phát triển các triệu chứng nguy hiểm tăng theo tuổi tác, với những người từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng cao nhất. Ở Mỹ, khoảng 80% trường hợp tử vong là ở những người từ 65 tuổi trở lên. Rủi ro thậm chí còn cao hơn đối với người lớn tuổi có các bệnh lý nền.

Người cao tuổi sẽ dần xuất hiện những sự lão hóa của cơ thể, từ hệ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng trong bộ máy hoạt động như tim, phổi, hệ thống mạch máu. Tình trạng này làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể người lớn tuổi đối với những tác động từ bên ngoài như thời tiết và môi trường, làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp. Người cao tuổi dễ mắc và tử vong cao hơn do Covid-19 là vì:

- Chức năng hệ miễn dịch giảm suy giảm: Tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể có sự thoái hóa, suy giảm chức năng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu dần. Chức năng bảo vệ của hệ miễn dịch giảm khiến người lớn tuổi gặp khó khăn trong cuộc chiến chống lại “kẻ xâm lược” – virus, vi khuẩn,...

- Phản ứng viêm quá mức: Khi tuổi tác tăng cao, mức độ viêm cao có thể làm tổn thương phổi, thận và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

- Dễ biến chứng: Người cao tuổi thường có sẵn tình trạng bệnh lý nền trước đó, nên việc virus xâm nhập gây nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn ở bệnh tim, thận hoặc gan.

- Chức năng phổi giảm theo tuổi tác: khiến khả năng thông khí kém hiệu quả, nếu có thêm tình trạng viêm phổi tiến triển thì tình trạng suy hô hấp dễ phát triển.

B - Người có tình trạng bệnh lý nền

Italy là một trong những vùng dịch Covid-19 “top đầu” trên thế giới. Một nghiên cứu tại đây đã chỉ ra rằng, 99% số ca tử vong là người mắc bệnh lý mạn tính. Trong đó, gần một nửa số ca mắc ít nhất 3 bệnh lý nền và khoảng 1/4 có 1 hoặc 2 bệnh nền trước đó. Có tới hơn 75% người bị tăng huyết áp, khoảng 35% bị tiểu đường.

Những người có tình trạng bệnh lý nền là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19. Vì vậy, người mắc các bệnh dưới đây cần hết sức thận trọng, kiểm soát tốt bệnh lý nền và nâng cao thể trạng:

1. Mắc bệnh thận mãn tính

Bệnh thận mãn tính là một “kẻ giết người” toàn cầu. Người mắc thận mãn tính ở bất kỳ giai đoạn nào điều làm tăng nguy cơ diễn tiến xấu và tử vong nếu mắc Covid-19. Nguy cơ dường như tăng lên cùng với mức độ nghiêm trọng của bệnh, đặc biệt ở những người chạy thận.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến chức năng thận trong quá trình phát bệnh, thậm chí là tác động kéo dài đến cả sau khi người bệnh phục hồi. Một số người mắc Covid-19 nghiêm trọng có dấu hiệu tổn thương thận, ngay cả khi họ không có vấn đề về thận trước đây. Các báo cáo sơ bộ cho thấy, có tới 30% bệnh nhân nhập viện vì SARS-CoV-2 ở Trung Quốc và New York bị tổn thương thận mức độ trung bình hoặc nặng. Theo các bác sĩ ở New York, con số thực tế thậm chí còn cao hơn.

Tác động của Covid-19 đối với thận vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết: Coronavirus có thể tấn công đến các tế bào thận; Lượng oxy trong máu quá ít khiến thận hoạt động sai; Phản ứng dữ dội của hệ miễn dịch đối với coronavirus chủng mới có thể phá hủy mô thận; Covid-19 có thể làm hình thành cục máu đông, làm tắc nghẽn thận,… Đồng thời, việc phải lọc máu và chạy thận là một điều đáng lo ngại ở bệnh nhân Covid-19.

2. Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Do có sẵn bệnh lý nền về phổi, những người mắc bệnh phổi mạn tính (COPD) là đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 và có thể dẫn đến các biến chứng về hô hấp từ nhẹ đến nghiêm trọng. Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 bị COPD có nguy cơ tăng đáng kể tiến triển nhiễm trùng nghiêm trọng, bởi virus ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tổn thương phổi và khiến phổi khó chống lại nhiễm trùng hơn.

Một nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan giữa tỷ lệ tử vong cao do Covid-19 và những người được chẩn đoán mắc COPD. Cụ thể, trong số người bệnh mắc Covid-19 khi bị COPD có 63% nguy cơ diễn tiến nặng và 60% nguy cơ tử vong. Song, bệnh nhân Covid-19 không mắc COPD chỉ có 33,4% nguy cơ trở nặng và 55% tử vong.

Đồng thời, nguy cơ có thể thay đổi tùy theo loại bệnh hô hấp: COPD và bệnh phổi kẽ với đặc trưng là tình trạng xơ hóa và mất tính đàn hồi của phổi, sẽ làm giảm khả năng tự thở của người bệnh nếu mắc Covid-19; Hen suyễn không gây ra xơ hóa, nhưng nhiễm Covid-19 có thể gây nên cuộc tấn công nghiêm trọng và thậm chí cướp đi mạng sống, đặc biệt ở những người kiểm soát hen suyễn kém; Giãn phế quản gây ứ chất nhầy dư thừa. Nếu viêm phổi phát triển do Covid-19, sự tắc nghẽn đường thở có thể nguy hiểm đến tính mạng.

3. Người mắc bệnh gan

Người mắc bệnh gan mãn tính, đặc biệt là xơ gan (sẹo ở gan) có thể làm tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19. Thêm vào đó, bệnh có xu hướng diễn tiến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 ở những đối tượng này.

Một số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 bị tăng nồng độ men gan, như alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST). Virus có thể làm phức tạp bệnh gan có sẵn ở một số người, gây tăng men gan, và làm bệnh nặng hơn. Một số loại thuốc bao gồm kháng sinh, thuốc chống virus và steroid dùng trong điều trị Covid-19 cũng gây hại cho tế bào gan.

4. Người mắc bệnh tim mạch (suy tim, động mạch vành, cơ tim)

Người bệnh tim mạch – đối tượng “ưa thích” của Covid-19. Theo thống kê của WHO, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở người bệnh tim mạch chiếm hơn 10%, tiếp đó là tiểu đường với hơn 7%. Điều đó cho thấy nguy cơ tử vong do Covid-19 ở người mắc tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.

Nguyên do được lý giải là bởi khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ kích hoạt bệnh tim tiềm ẩn và gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, hội chứng mạch vành cấp tính, suy tim cấp. Bên cạnh đó, chức năng tim đã suy yếu, người bệnh vốn đã khó thở, mệt mỏi vì bệnh sẵn có, nay lại càng khó thở hơn vì SARS-CoV-2 gây hội chứng viêm phổi cấp, khiến họ không đủ sức chống chọi với dịch bệnh. Nếu bị nhiễm virus bệnh sẽ tiến triển phức tạp hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn so với người bình thường.

Tuy nhiên, người bệnh nên bình tĩnh, không hoang mang mà nên đặc biệt chú trọng việc nâng cao sức khỏe và bảo vệ trái tim của mình.

5. Người bị suy giảm hệ thống miễn dịch

Theo thống kê của CDC, những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ cao bị bệnh nặng do SARS-CoV-2. Chúng cũng có thể lây nhiễm trong khoảng thời gian dài hơn so với những bệnh nhân khác:

- Một nửa số bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh tiểu đường cần nhập viện.

- 78% những người cần nhập viện vì Covid-19 cần được chăm sóc đặc biệt có ít nhất một bệnh lý nền.

- 71% bệnh nhân Covid-19 (nhưng không phải chăm sóc đặc biệt) có ít nhất một bệnh lý nền.

Người có hệ thống miễn dịch kém như người nhiễm HIV; trải qua hóa trị và xạ trị ung thư; người ghép tạng; người bị suy giảm miễn dịch nguyên phát,… có thể không chống lại được sự tấn công của Covid-19 như những người khác. Cơ thể những đối tượng này không có những phản ứng miễn dịch cần thiết để chống lại sự xâm nhập của SARS-CoV-2 trong giai đoạn đầu. Khả năng tạo kháng thể cũng có thể bị hạn chế, vì vậy hệ miễn dịch có thể không loại bỏ được virus nếu chẳng may khi bị nhiễm.

Mặt khác, hệ miễn dịch hoạt động quá mức cũng có thể gây ra tổn thương phổi và viêm phổi ở những bệnh nhân mắc Covid-19. Khi hệ thống miễn dịch được kích hoạt sẽ giải phóng các chất hóa học được gọi là cytokine. Cytokine có thể đem lại hiệu quả cho cơ thể, tuy nhiên chúng cũng có thể gây tổn thương mô khi hoạt động quá mức.

6. Rối loạn thần kinh

Mặc dù không có trong danh sách các yếu tố nguy cơ của CDC, nhưng một số nhà khoa học đã lưu ý rằng một số rối loạn thần kinh nhất định, như bệnh đa xơ cứng, Parkinson hoặc rối loạn thần kinh vận động, có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của Covid-19, do dễ làm rối loạn phản xạ nuốt, làm giảm phản xạ ho hoặc gây suy yếu cơ hô hấp.

Đồng thời, nhiều loại thuốc dùng để điều trị rối loạn thần kinh và nhược cơ chủ động gây ức chế hệ thống miễn dịch, dễ tạo điều kiện cho các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng hơn.

7. Béo phì

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, những người béo phì sẽ có nguy cơ phải nhập viện vì Covid-19 cao gấp đôi so với người bệnh có cân nặng bình thường, người béo phì cần phải được chăm sóc cấp tính cao gấp đôi và khả năng phải ở phòng chăm sóc đặc biệt cao gấp ba lần.

Hoa Kỳ – quốc gia với hơn 40% dân số bị béo phì và không nghi ngờ gì khi đó là căn nguyên góp phần làm tăng tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19 so với các quốc gia khác. Tiến sĩ Jennifer Light (Trường Y khoa NYU ở thành phố New York) cho biết, những người béo phì có tỷ lệ ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn cao hơn, vấn đề hen suyễn, trào ngược và phổi bị hạn chế,… có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, bởi trình trạng nhiễm trùng nặng do Coronavirus.

8. Thai kỳ

Năm 2020, WHO tuyên bố sự bùng phát Covid-19 trên toàn cầu là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm”. Đó là điều đáng sợ cho hàng tỷ người trên thế giới. Ngoài virus Zika và những yếu tố nguy cơ gây bất thường khi mang thai, phụ nữ mang thai có thể lại thêm một nỗi lo khác – đó là SARS-CoV-2.

Theo CDC Hoa Kỳ khuyến cáo: Phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cúm, hơn những người bình thường rất nhiều. Điều này là do mang thai làm thay đổi hệ thống miễn dịch và tác động đến phổi và tim. Do đó, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 và gặp những biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như sinh non.

9. Bệnh hồng cầu hình liềm

SARS-CoV-2 đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế trên toàn cầu, đặc biệt, đối với những người mắc các bệnh lý rối loạn về máu, cả lành tính và ác tính, đặc biệt là người mắc bệnh hồng cầu hình liềm cần được chú ý đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng này.

Những người mắc bệnh hồng cầu hình liềm (SCD) có các tế bào hồng cầu bị biến dạng và gây tắc nghẽn lưu thông máu, ức chế quá trình cung cấp oxy, làm hỏng mạch máu và gây viêm. Coronavirus làm tăng sự hình thành các tế bào hình liềm, vì nhiễm trùng trong phổi dẫn đến mức oxy thấp và tình trạng viêm nặng hơn. Đồng thời, SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương phổi, tắc tĩnh mạch (veno‐occlusive crisis VOC), thậm chí tử vong đối với những người mắc SCD.

10. Hút thuốc

Thuốc lá đã được biết đến là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc và mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp. Theo đánh giá của Hội đồng các Chuyên gia y tế công cộng của WHO cho thấy, thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 5 lần người không hút thuốc lá. Nghiêm trọng hơn, những người trẻ tuổi vừa hút thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá thông thường sẽ có khả năng nhiễm Covid-19 cao hơn gấp 7 lần. Đây thực sự là một con số đáng báo động được công bố mới đây trên tạp chí Sức khỏe Vị thành niên, Mỹ.

Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi, tổn thương biểu mô hô hấp (niêm mạc phổi) và hệ miễn dịch khiến cơ thể khó chống SARS-CoV-2 và các bệnh khác. Thêm vào đó, có một con đường mà SARS-CoV-2 dựa vào để xâm nhập các tế bào một cách nhanh chóng hơn, đó là thuốc lá điện tử.

Cụ thể, nếu một người bị nhiễm bệnh, người tiếp theo sử dụng thiết bị thuốc lá điện tử có thể hít các hạt virus vào sâu trong phổi của họ. Hơi thở ra cũng có thể chứa virus và có khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh. Thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.

11. Bệnh tiểu đường

Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là một rối loạn sức khỏe khiến hệ miễn dịch bị tổn hại, đặc biệt là ở tuýp 2, khiến người bệnh dễ mắc Covid-19 nếu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Các chuyên gia từ Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) nhấn mạnh: Virus có thể phát triển mạnh trong cơ thể khi có đường huyết cao.

Tăng đường huyết kéo dài có thể dẫn đến tình trạng nhiễm toan, trong đó các axit được gọi là ketone làm giảm sản xuất tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào lympho T và bạch cầu đa nhân trung tính. Và kết quả có thể làm tăng khả năng bị lây nhiễm Covid-19. Ngoài ra, một người mắc bệnh tiểu đường, khi nhiễm virus, có thể dẫn đến các biến chứng khó lường.

Những người bị rối loạn liên quan đến lượng đường trong máu cao, điều quan trọng là phải theo dõi đường huyết thường xuyên, quản lý đường huyết, tránh căng thẳng… đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác giúp ngăn ngừa Covid-19.

12. Ung thư

Người bệnh ung thư thường có hệ miễn dịch suy yếu, do tình trạng bệnh lý hoặc quá trình điều trị. Hiện tại, có rất ít bằng chứng về việc những người mắc ung thư hoặc những người đang được điều trị bằng phương pháp ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như hóa trị, xạ trị có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn do chủng virus Covid-19 hay không.

Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra một số giả định: Khi các tế bào bạch hầu giúp chống lại nhiễm trùng của cơ thể thấp hoặc không hoạt động đủ, khả năng kháng nhiễm trùng theo đó giảm sút. Và hóa trị hay xạ trị, có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Do đó, bệnh nhân ung thư đang được điều trị tích cực có thể có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn.

Đặc biệt, những người mắc ung thư máu, bạch hầu, ung thư hạch và đa u tủy, có nguy cơ cao nhiễm Coronavirus hơn những người mắc các loại ung thư khác. Ung thư máu thường làm gián đoạn quá trình sản xuất bình thường của các tế bào miễn dịch. Tương tự như vậy, Covid-19 có tính chất tấn công vào phổi của cơ thể người, những người mắc ung thư phổi cũng có tỷ lệ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với nhóm còn lại.

C – Đối với trẻ em

Thống kê cho thấy, triệu chứng lâm sàng thường gặp ở trẻ em: sốt (63%), ho (34%), buồn nôn/nôn (20%), tiêu chảy (20%), khó thở (18%), triệu chứng mũi họng (17%), phát ban (17%), mệt mỏi (16%), đau bụng (15%), triệu chứng giống Kawasaki (13%), không có triệu chứng (13%), triệu chứng thần kinh (12%), kết mạc (11%) và họng đỏ (9%).

Một số biểu hiện khác có thể gặp nhưng ít hơn là tổn thương da niêm (hồng ban các đầu ngón chi, nổi ban da…); rối loạn nhịp tim; tổn thương thận cấp; viêm thanh mạc (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim); gan to, viêm gan; bệnh não (co giật, hôn mê hoặc viêm não)

Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh.

Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng gồm: trẻ đẻ non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá; các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi…); bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp); bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần), bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh gan; bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác và các bệnh hệ thống.

 

BS Bạch Chính