Khi nào điều trị đặc hiệu viêm gan B
Nhiễm virus B gây viêm gan (Hepatitis B Virus = HBV) vẫn còn là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Hiện nay, trên thế giới ước tính có trên 2 tỷ người đã từng hay đang bị nhiễm HBV, khoảng 400 triệu người mang HBV mạn (HBV carier), trong đó 75% là người châu Á. Hàng năm, có gần 1 triệu người chết do những bệnh lý liên quan đến nhiễm HBV như xơ gan, ung thư gan.
HBV lây nhiễm gấp 100 lần so với HIV. HBV là một yếu tố gây ung thư đứng hàng thứ 2 sau thuốc lá, là nguyên nhân gây ra 60-80% trường hợp ung thư gan nguyên phát và 50% trường hợp xơ gan. Vì thế, mặc dù chương trình chủng ngừa hiệu quả rộng rãi trong thời gian qua đã giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm HBV cấp trong nhiều nước, nhưng nhiễm HBV cho đến nay vẫn còn là một nguyên nhân quan trọng gây mắc bệnh và tử vong.
Tại Việt Nam, cứ trung bình 100.000 người sẽ có 23 người mắc bệnh ung thư gan, đứng thứ tư trên toàn thế giới. Đáng nói hơn, 80% ca ung thư gan bắt nguồn từ viêm gan B, 5% từ viêm gan C. Một khi nhiễm virus viêm gan B người bệnh buộc phải chấp nhận sống chung với nó suốt đời.
Một câu hỏi mà rất nhiều bệnh nhân hay hỏi là tôi bị mắc viêm gan B, vẫn cảm thấy khỏe, ăn uống sinh hoạt bình thường thì có cần phải điều trị không? Và một vấn đề bệnh lý viêm gan B là của chuyên khoa sâu nhưng rất hay gặp ở các phòng khám làm bác sĩ bối rối trả lời khi nào cần điều trị viêm gan B.
Để có câu trả lời chính xác, khoa học cho bác sĩ lâm sàng và người bệnh, theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, căn cứ vào sự kết hợp 3 yếu tố: nồng độ ALT, tải lượng HBV-DNA và mức độ xơ hóa gan của bệnh nhân viêm gan B phải thỏa mãn một trong các trường hợp sau thì được điều trị đặc hiệu
Trường hợp 1: Đối với bệnh nhân xơ gan còn bù hoặc mất bù
- Xơ gan F4
- HBV-DNA trên ngưỡng phát hiện
- Nồng độ ALT và tình trạng HBeAg bất kỳ
Trường hợp 2: Đối với bệnh nhân không xơ gan, phải thỏa mãn 2 điều kiện
- Tổn thương tế bào gan: AST, ALT > 2 lần ULN và/hoặc mức độ xơ hóa gan từ F2 trở lên
- Virus đang tăng sinh: HBV-DNA ≥ 20.000 IU/mL (≥ 10^5 copies/mL) nếu HBeAg dương tính hoặc HBV-DNA > 2.000 IU/mL (≥ 10^4 copies/mL) nếu HBeAg âm tính
Trường hợp 3: nếu không thỏa mãn 2 trường hợp trên thì phải đáp ứng một trong các trường hợp sau
- Trên 30 tuổi với mức ALT cao hơn ULN kéo dài (ghi nhận ít nhất 3 lần trong khoảng 24 – 48 tuần) và HBV-DNA > 20.000 IU/ml, bất kể tình trạng HBeAg.
- Tiền sử gia đình có HCC hoặc xơ gan
- Có các biểu hiện ngoài gan như viêm cầu thận, viêm đa khớp, cryoglobulin máu, viêm đa nút động mạch...
- Tái phát sau khi ngưng điều trị thuốc kháng HBV