HBcrAg: Marker mới trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh lý viêm gan B
Diễn tiến chung của bệnh lý viêm gan B mạn tính là viêm gan từng đợt và cuối cùng là xơ gan, ung thư gan. Thời điểm phát triển thành xơ gan, ung thư gan thì hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm phát hiện và thực hiện điều trị bệnh.
Do đặc thù của virus viêm gan B khi nhiễm vào máu, virus xâm nhập và tích hợp vật chất di truyền DNA vào trong DNA tế bào gan của ký chủ, tạo nên cccDNA là một dạng genome của virus ổn định. cccDNA nằm ở nhân tế bào gan bị nhiễm và hoạt động như một khuôn mẫu để thực hiện quá trình phiên mã và sao chép các gen của virus khi hoạt động. Như vậy, từ một thể virus theo máu xâm nhập vào tế bào gan, thực hiện sao mã, dịch mã và đóng gói thành một thể virus hoàn chỉnh mới thải ra máu. Qua mỗi chu kỳ như thế, số lượng thể virus sẽ được nhân lên gấp bội.
Sự tích hợp vật chất di truyền này đã làm cho quá trình điều trị viêm gan virus B trở nên rất phức tạp bởi các thuốc kháng virus hiện nay không thể hiện được hiệu quả tiêu diệt tận gốc cccDNA và quá trình điều trị kháng virus gần như kéo dài suốt đời. Thách thức rất lớn trong điều trị viêm gan virus B hiện nay là chưa có thuốc thế hệ mới điều trị hiệu quả; chưa có chỉ dấu huyết thanh học đánh giá hiệu quả của điều trị và mức độ ức chế được cccDNA trong nhân tế bào gan ngoại trừ xét nghiệm sinh thiết tế bào gan và thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử để phân tích cccDNA.
Tuy nhiên như phân tích bên trên, cccDNA nằm rải rác trong các tế bào gan bị nhiễm virus, do đó kỹ thuật sinh thiết gan hiện nay vẫn bộc lộ nhiều hạn chế nhất định như là kỹ thuật xâm lấn thực hiện trên mẫu sinh thiết, chưa được chuẩn hóa đồng bộ vì không phải lúc nào cũng sinh thiết đúng hết các tế bào gan bị nhiễm nên kết quả vẫn còn nhiều tranh luận và gây nhiều nguy cơ cho bệnh nhân như đau đớn, nhiễm trùng.
Với các tiến bộ khoa học không ngừng trong lĩnh vực chẩn đoán, hiện nay đã cho ra đời xét nghiệm đo các kháng nguyên liên quan lõi virus viêm gan B mang tên HBcrAg, đồng thời định lượng được 3 kháng nguyên liên quan đến lõi virus viêm gan B (HBcAg, HBeAg và protein p22cr). Xét nghiệm này sau đó nhanh chóng được các bác sĩ lâm sàng tiếp nhận và thực hiện rất nhiều nghiên cứu lâm sàng, mang lại nhiều kết quả khả quan và là một trong những chỉ dấu huyết thanh học tiềm năng trong theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị kháng virus viêm gan B hiện nay vì HBcrAg có tương quan rất chặt với cccDNA trong nhân tế bào gan; mức giảm nồng độ HBcrAg trong máu tương đương với mức giảm nồng độ của cccDNA trong tế bào gan.
Kết quả này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khoa học và đã công bố trên các tạp chí danh tiếng trong thời gian gần đây. Ngoài ra, HBcrAg cũng được chứng minh mang lại các giá trị lâm sàng như sau:
(1) đánh giá tiến triển bệnh tự nhiên, giúp phân biệt rõ các giai đoạn nhiễm bệnh mạn tính khác nhau giúp điều trị kịp thời;
(2) đánh giá hiệu quả phác đồ kháng virus như tiên lượng về khả năng chuyển đảo huyết thanh HBeAg; kết hợp với HBsAg định lượng siêu nhạy để tiên lượng thời gian thích hợp ngưng thuốc đường uống và đánh giá nguy cơ tái phát sau khi ngưng thuốc;
(3) HBcrAg giúp tiên lượng nguy cơ tiến triển ung thư biểu mô tế bào gan HCC trên các đối tượng bệnh nhân không điều trị và có điều trị bằng thuốc kháng virus đường uống; một nghiên cứu mới nhất được công bố bởi các nhà khoa học của Đài Loan trên tạp chí Gastroenterology 2019 về giá trị tiên lượng nguy cơ ung thư HCC của HBcrAg trên đối tượng bệnh nhân có tải lượng virus trung bình, nếu HBcrAg 4.0 logU/ml thì cần được điều trị ngay vì nguy cơ ung thư rất cao.
Với các giá trị khoa học đã được chứng minh, chỉ dấu huyết thanh học không xâm lấn - HBcrAg hứa hẹn mang lại những giá trị to lớn cho bệnh nhân về khả năng được chẩn đoán sớm nhiễm virus đang hoạt động, được theo dõi hiệu quả điều trị, được tầm soát nguy cơ ung thư ở những trường hợp tải lượng virus trung bình chưa được điều trị và có cơ hội được ngưng dùng thuốc nếu đạt được các tiêu chí về nồng độ HBcrAg và HBsAg định lượng siêu nhạy theo các nghiên cứu đã công bố.