Định lượng HBsAg: ý nghĩa trong bệnh lý viêm gan virus B
Trước đây, để đánh giá hiệu quả của việc điều trị viêm gan virus B, các bác sĩ chủ yếu căn cứ vào nồng độ HBV-DNA, là giá trị định lượng phản ánh sự sao chép của virus, cho biết số lượng bản sao virus hoàn chỉnh trong máu người bệnh.
Tuy nhiên có không ít các trường hợp bệnh nhân viêm gan B mạn mặc dù có nồng độ HBV-DNA thấp, thậm chí ở dưới ngưỡng phát hiện nhưng vẫn tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Yếu tố quyết định khỏi bệnh hoàn toàn được đề cập đến gần đây là DNA trong tế bào gan nhưng hiện nay chưa có kỹ thuật nào định lượng được DNA. Như chúng ta đã biết cccDNA là yếu tố xác định chắc chắn nhất tình trạng hoạt động của tế nào gan, nhưng để xác định được cccDNA người ta phải dùng kỹ thuật hóa miễn dịch mô trong nghiên cứu và không thể áp dụng trong thực tiễn lâm sàng. Một số nghiên cứu gần đây đã chứngminh nồng độ HBsAg trong huyết thanh có tương quan với cccDNA trong tế bào gan. Vì vậy ngày nay người ta sử dụng nồng độ HBsAg như là một công cụ gián tiếp để đánh giá cccDNA trong tế bào gan. Hiện nay trên thế giới có 4 xét nghiệm định lượng được công nhận có thể áp dụng lâm sàng là Architect HBsAg QT (ABBOTT), Elecsys II (ROCHE), ADVIA Centaur HBsAg Assay (Bayer) và Hepanostika HBsAg (Biomerrieux). Hơn nữa định lượng HBsAg lại dễ tiến hành và nằm trong khả năng chi trả của người bệnh.
Định lượng HBsAg có thể giúp đưa ra các tiên lượng về diễn tiến của bệnh. Các nghiên cứu đều cho thấy nồng độ HBsAg cao nhất ở giai đoạn dung nạp miễn dịch (4.5 – 5.0 log10 IU/ml) và bắt đầu suy giảm trong suốt pha thanh thải miễn dịch (3.0 – 4.5 log10IU/ml), sau đó giảm từ từ sau khi xảy ra chuyển đảo huyết thanh HBeAg. Những bệnh nhân có hoạt độ enzym gan duy trì liên tục ở mức bình thường thì nồng độ HBsAg thường thấp (1.5-3.0 log10IU/ml) và cao hơn (2.5 – 4.0log10 IU/ml) ở những người viêm gan B tiến triển có HBeAg âm tính. Các nghiên cứu theo chiều dọc đã chỉ ra thêm rằng nồng độ HBsAg duy trì ở những bệnh nhân có HbeAg (+) và có xu hướng giảm dần ở những bệnh nhân có HBeAg (-). Các nghiên cứu trên bệnh nhân nhiễm HBV tuýp D có HBeAg(-) cũng chỉ ra rằng nếu HBsAg < 1000 IU/ml và HBV-DNA < 2000IU/ml thì đây là trường hợp mang virus không hoạt động với giá trị dự đoán dương tính tới 90% và giá trị dự đoán âm tính 97%. Còn ở những bệnh nhân HBV tuýp B, C có HBeAg âm tính với ALT bình thường thì nồng độ HBsAg huyết thanh càng nhỏ hơn 1000 IU/ml thì càng có khả năng xảy ra chuyển đảo HBsAg. Nồng độ HBsAg < 100 IU/ml là một ngưỡng giá trị để dự đoán khả năng mất HBsAg theo thời gian. Cụ thể, với nồng độ HBsAg< 200 IU/ml thì có khả năng thải trừ được HBsAg trong 3 năm, đặc biệt nếu kết hợp với sự suy giảm > 1log¬10 IU/ml 2 năm trước đó.
Nồng độ HBsAg còn có ý nghĩa trong chẩn đoán và điều trị ở bệnh nhân viêm gan B mạn. Bệnh nhân HBeAg âm tính có nồng độ HBV-DNA < 2.000 IU/mL và qHBsAg < 1.000 IU/mL mới thật sự là đối tượng mang HBV không họat động và không phải dùng thuốc điều trị. Đối với bệnh nhân HBeAg dương tính điều trị bằng PEG IFN, nếu qHBsAg không giảm sau 12 tuần điều trị hoặc qHBsAg > 20.000 IU/mL thì nghĩa là khả năng đáp ứng thuốc rất thấp. Ở bệnh nhân HBeAg âm tính sau điều trị PEG IFN 12 tuần mà qHBsAg không giảm và HBV-DNA giảm < 2 log10 thì có thể xem xét ngưng điều trị. Đối với bệnh nhân VGBM điều trị bằng bằng các thuốc NAs, xét nghiệm qHBsAg mỗi 6-12 tháng, qHBsAg < 100IU/mL có thể xem xét ngưng điều trị và cho thấy có tỉ lệ tái phát thấp.