Mặc dù tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B (HBV) đang giảm nhờ chương trình tiêm chủng vacxin, tuy nhiên viêm gan B (VGB) vẫn là một vấn đề toàn cầu và là nguyên nhân gây bệnh cầu thận thứ phát. Viêm cầu thận là biểu hiện ngoài gan quan trọng của VGB mạn tính và VGB là yếu tố nguy cơ gây bệnh cầu thận.

HBV không trực tiếp gây độc cho gan (và thận) mà chính hệ miễn dịch của người bệnh là yếu tố căn nguyên gây viêm gan. Trẻ sơ sinh do có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên có biểu hiện viêm gan rất nhẹ nhưng phần lớn sẽ chuyển thành VGB mạn tính. Ngược lại, tỉ lệ người lớn chuyển từ VGB cấp tính sang mạn tính chiếm tỉ lệ ít hơn nhiều.

Hai yếu tố chính gây tổn thương thận ở bệnh nhân VGB là kháng nguyên virus (HBsAg, HBeAg, HBcAg) và kháng thể (anti-HBe, anti-HBs, anti-HBc) do hệ miễn dịch tạo ra. Hai yếu tố này kết hợp với nhau tạo thành phức hợp miễn dịch lắng đọng ở cầu thận. Phức hợp này hoạt hóa hệ thống enzym oxy hóa, protease tấn công màng tế bào, giải phóng các cytokin gây tổn thương cầu thận.

Ngoài ra, khi điều trị bệnh lý viêm gan B lâu dài thì có một số thuốc kháng virus cũng ảnh hưởng đến thận nên cần phải theo dõi chặt chẽ chức năng thận định kỳ hoặc khi thấy có dấu hiệu bất thường. 

Vậy khi chức năng thận giảm thì sử dụng thuốc kháng virus ra sao? Các bác sĩ điều trị cần đánh giá chức năng thận, lựa chọn thuốc và điều chỉnh liều theo bảng sau:

Thuốc kháng vi rút

Mức lọc cầu thận

Điều chỉnh liều

1. Tenofovir disoproxil
fumarate (TDF)

+ CrCl ≥ 50 mL/phút
+ CrCl 30-49 mL/phút
+ CrCl 10-29 mL/phút
+ CrCl < 10 mL/phút

+ Chạy thận

+ Không cần giảm liều
+ 300mg mỗi 48 giờ
+ 300mg mỗi 72 - 96 giờ
+ Không dùng

+ 300mg mỗi 7 ngày hoặc uống sau 12 giờ mỗi lần chạy thận

2. Entecavir (ETV)

+ CrCl: ≥ 50 mL/phút
+ CrCl: 30-49 mL/phút
+ CrCl: 10-29 mL/phút
+ CrCl < 10 mL/phút, chạy thận

+ Không cần giảm liều.
+ 0,25 mg/ngày hoặc 0,5 mg mỗi 48 giờ.
+ 0,15 mg/ngày hoặc 0,5 mg mỗi 72 giờ.
+ 0,5 mg mỗi 7 ngày

3. Tenofovir alafenamide
(TAF)

Không cần giảm liều đối với các trường hợp suy thận nhẹ, vừa và nặng, hoặc chạy thận. Chưa có dữ liệu trên người suy thận có CrCl <15 ml/phút nhưng chưa chạy thận