Định lượng HBV-DNA là một xét nghiệm kiểm tra viêm gan B tiên tiến tại nước ta đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm tra viêm gan B. Phát hiện HBV-DNA lâm sàng là áp dụng để chẩn đoán tình hình hoạt động và số lượng virus viêm gan B để bác sĩ cân nhắc điều trị

 


     I. Xét nghiệm HBV-DNA là gì?
 
     - Virus viêm gan B có phần lõi của nó là DNA tức là acid nhân chứa đựng các thông tin di truyền của virus.
      - Virus viêm gan B một khi nhân bản hoàn chỉnh thì sẽ tạo được một virus hoàn chỉnh tức là bên trong phần vỏ của nó (đó là kháng nguyên vỏ hay kháng nguyên bề mặt HBsAg) có chứa được phần lõi HBV-DNA.
      - Xét nghiệm HBV- DNA tức là xét nghiệm tìm xem trong máu của bệnh nhân có mang virus hoàn chỉnh hay không. Đây là xét nghiệm sinh học phân tử, thông thường được thực hiện bằng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) là kỹ thuật nhân bản DNA trong ống nghiệm qua các chu kỳ nhiệt độ.
 

     II. Xét nghiệm HBV-DNA được thực hiện khi nào?
      Trong  các trường hợp xét nghiệm viêm gan B dương tính, người ta thường yêu cầu làm thêm xét nghiệm tìm HBV- DNA như:
      - Có biến chủng precore khi HbeAg (-) và anti HBe (+).
      - Trên lâm sàng cho thấy có liên quan đến viêm gan siêu vi mà tất cả các dấu hiệu huyết thanh còn lại đều âm tính, đặc biệt là HBsAg.
     - Trước khi quyết định điều trị, bệnh nhân cũng cần làm xét nhiệm HBV-DNA và dựa trên kết quả dương tính của HBV- DNA để bác sĩ đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
 

    III. Mục đích và ý nghĩa của xét nghiệm HBV-DNA
      1 - Định lượng virus để cân nhắc điều trị
      - Những trường hợp người lành mang virus, nếu thử máu sẽ thấy HBsAg dương tính nhưng dấu hiệu cho thấy có virus hoàn chỉnh là HBV-DNA, tức là acid nhân của virus, thường âm tính hay dương tính với số lượng (số copies) rất thấp (<105/ml). Nhưng nếu hệ miễn dịch không kiềm hãm được mà để virus nhân bản nhiều trong tế bào gan tạo ra được nhiều virus hoàn chỉnh vào máu của bệnh nhân và lúc này thử máu sẽ thấy HBsAg dương tính đồng thời có virus hoàn chỉnh hiện diện trong máu với số lượng cao phát hiện thông qua xét nghiệm HBV-DNA cho kết quả dương tính và số lượng vượt trên 100000copies/ml.
      - Nếu HBV-DNA dương tính với số lượng quá 100000copies/ml. thì phải tiếp tục xem men gan (là thử nghiệm ALT hay SGPT) của họ có cao không? Nếu cao vượt ngưỡng 2 lần bình thường (ALT bình thường là 19 IU ở nữ và 33 IU ở nam) thì được coi là viêm gan mạn tính và phải điều trị.
      - Nếu men gan bình thường thì cần phải chắc chắn là tế bào gan có bị thương tổn không thông qua xét nghiệm về hình thái tế bào gan như sinh thiết gan hay fibrotest, fibroscan. Nếu kết quả cho thấy có thương tổn thì họ cũng phải được xem là đang bị viêm gan mạn tính và phải cần điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân dù men gan bình thường.

     2 - Theo dõi điều trị
      - Định lượng HBV-DNA còn phải được dùng để theo dõi hiệu quả điều trị của các thuốc kháng virus mà bác sĩ chỉ định trên bệnh nhân. Nếu sau khi chỉ định điều trị khoảng 1 – 3 tháng mà kết quả xét nghiệm cho thấy lượng virus (được gọi là HBV-DNA copy hay IU) giảm được 100 lần (gọi là giảm 2 log) thì bác sĩ điều trị có thể đánh giá là thuốc kháng virus có hiệu quả.
       - Hiện nay có khá nhiều thuốc kháng virus dành cho viêm gan B mạn tính rất hiệu quả, HBV bị ngăn chặn không cho nhân bản rất nhanh, chính vì vậy HBV-DNA biến mất khỏi máu sớm hơn là HBeAg. Chính vì vậy HBV-DNA là một dấu ấn rất tốt để theo dõi được đáp ứng khá sớm của điều trị và hiện nay các nhà y học thống nhất sử dụng HBV-DNA làm chỉ số theo dõi đáp ứng điều trị hơn là HBeAg.
      - Ngoài ra xét nghiệm này cũng phải được chỉ định cứ mỗi 3 tháng trong quá trình điều trị để đánh giá hiệu quả điều trị và nguy cơ kháng thuốc của virus trên bệnh nhân. Bất cứ khi nào kết quả phát hiện và định lượng HBV-DNA cho thấy có sự xuất hiện trở lại HBV-DNA trên ngưỡng phát hiện thì bác sĩ điều trị phải lưu ý vì đây chính là dấu hiệu cho thấy virus đang kháng thuốc điều trị hay bệnh nhân không tuân thủ liệu pháp điều trị mà bác sĩ đang chỉ định.

      3 - Xét nghiệm phát hiện đột biến kháng thuốc
      - Trong thời gian điều trị, xét nghiệm theo dõi virus là HBV-DNA bỗng nhiên bị trở lại dương tính và lượng HBV-DNA bị tăng lên dần thì đây chính là dấu hiệu cho biết virus có khả năng kháng lại thuốc đang điều trị. Lúc này cần phải xét nghiệm để phát hiện xem thuốc có bị virus đề kháng không?
      - Nếu trong máu bệnh nhân có sự xuất hiện HBeAg thì có nghĩa là có sự nhân bản của virus trong cơ thể. Nếu bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus thì virus sẽ bị chặn lại và không nhân bản được. Xảy ra sự đột biến kháng thuốc nếu kết quả xét nghiệm cho thấy HBeAg âm tính, AntiHBeAg dương tính, nhưng HBV-DNA lại xuất hiện dương tính, đồng thời men gan tăng giảm thất thường, thì đây chính là dấu hiệu báo động nguy cơ virus đột biến
 

    IV.  Điều trị viêm gan B thông qua xét nghiệm
     - Trong quá trình xét nghiệm viêm gan B, nếu kiểm tra kết quả định lượng HBV-DNA trong cơ thể bệnh nhân viêm gan B ít hơn 1000copies/ml thì tức là tính sao chép của virus viêm gan B chậm hay thậm chí đã dừng sao chép, tính truyền nhiễm yếu. Lúc này bệnh nhân nên định kì đến bệnh viện kiểm tra, đồng thời, dưỡng gan 1 cách khoa học trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mới có lợi cho việc hồi phục bệnh tình.
      - Sau khi bắt đầu điều trị đặc hiệu khoảng 3 tháng, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm lại máu của bệnh nhân để đếm số lượng virus viêm gan B (xét nghiệm định lượng HBV-DNA) có trong máu là bao nhiêu. Nếu lượng HBV-DNA trong máu giảm hơn trước khi điều trị trên 100 lần thì có nghĩa là điều trị có hiệu quả, và xét nghiệm này phải được làm liên tục cứ mỗi 3 tháng một lần cho đến khi xét nghiệm định lượng HBV-DNA cho kết quả dưới ngưỡng phát hiện.
       - Nếu trong thời  gian  điều trị, xét nghiệm theo dõi virus là HBV-DNA  bỗng  nhiên bị trở lại dương tính và lượng HBV-DNA bị tăng lên dần thì đây chính là dấu hiệu cho biết virus có khả năng kháng lại thuốc đang điều trị, số lượng virus trong cơ thể người bệnh là rất cao, cần phải 
điều trị kháng virus ngay.