Xét nghiệm nước tiểu phát hiện bệnh gì
Xét nghiệm nước tiểu là một xét nghiệm phân tích trên mẫu nước tiểu được thực hiện bằng cách lấy mẫu nước tiểu để đo hàm lượng một số chất nhất định trong nước tiểu hoặc thành phần nước tiểu khác nhau. Xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện để tìm các dấu hiệu bệnh hoặc các tác nhân gây bệnh, kiểm tra thành phần nước tiểu hoặc để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.
1. Một số bệnh phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu
Bạn cần đi xét nghiệm nước tiểu để xác định tình trạng bệnh mình đang gặp phải, sớm phát hiện ra một số bệnh lý nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng đường tiểu: Được phát hiện qua kiểm tra xét nghiệm tế bào bạch cầu và hợp chất do vi khuẩn sinh ra. Nếu trong nước tiểu có xuất hiện những hợp chất này chứng tỏ bạn đang mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu.
- Các bệnh lý ở bàng quang: Bàng quang là cơ quan trực tiếp chứa nước tiểu và kết hợp cùng các cơ quan khác đào thải nước tiểu ra ngoài khi bàng quang đầy. Vì vậy, khi xét nghiệm nước tiểu thấy có máu hoặc vi khuẩn thì có thể phát hiện các bệnh lý ở bàng quang như viêm nhiễm, ung thư bàng quang …
- Các bệnh về thận: Các xét nghiệm protein, axit, tế bào hồng cầu… trong nước tiểu nếu có dấu hiệu bất thường sẽ cho biết người bệnh có bị suy thận, viêm bể thân, sỏi thận… hay không. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì thận còn có chức năng lọc máu trong cơ thể, nếu không phát hiện sớm sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
- Phát hiện bệnh tiểu đường: Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu như Xeton, độ pH có thể là căn cứ để xác định bệnh tiểu đường.
- Các bệnh lý ở gan: Bao gồm các xét nghiệm UBG và BIL để phát hiện các bệnh lý thường gặp ở gan như xơ gan, viêm gan, viêm túi mật …
- Các bệnh xã hội ở cơ quan sinh dục: Xét nghiệm nước tiểu cũng có thể giúp người bệnh phát hiện mình có mắc một số bệnh xã hội phổ biến như lậu, giang mai … hay không khi bệnh vẫn đang trong giai đoạn ủ bệnh.
Dù là mắc bệnh gì thì sức khỏe của bạn cũng có thể bị đe dọa nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Nhờ có y học tiên tiến và hiện đại ngày nay mà các bệnh lý nguy hiểm đó có thể phát hiện qua các xét nghiệm đơn giản như xét nghiệm nước tiểu.
2. Nước tiểu được hình thành từ đâu?
Hệ tiết niệu gồm các bộ phận thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hệ tiết niệu có vai trò loại bỏ các chất độc, cân bằng nước và điện giải, điều hòa huyết áp, tạo máu và điều hòa chuyển hóa Canxi-photpho.
Nước tiểu là một sản phẩm của hệ tiết niệu, thường vô trùng và được đào thải ra khỏi cơ thể qua đường niệu đạo. Trong quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể sẽ tạo ra một số sản phẩm không tốt cho sức khỏe, cần được loại bỏ khỏi máu và những chất này sẽ được đào thải qua nước tiểu.
Cơ thể người có hai quả thận có hình dạng giống hạt đậu, thường to khoảng nắm tay. Hằng ngày thận sẽ lọc khoảng hơn 1400 lít máu và tạo ra khoảng 170 lít nước tiểu đầu. Tuy nhiên nhờ có quá trình tái hấp thu mà lượng nước tiểu được tạo thành chỉ khoảng 1 - 1,5 lít.
Nước tiểu theo niệu quản được tập trung tại bàng quang. Khi lượng nước tiểu trong bàng quang đạt đến ngưỡng nhất định sẽ tạo cảm giác muốn đi tiểu, sau đó nước tiểu sẽ qua đường niệu đạo và được bài tiết ra ngoài.
3. Có thể nhận biết được điều gì thông qua màu sắc nước tiểu?
Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt và tương đối trong suốt; nhưng đối với mỗi lần đi tiểu của một người thì màu sắc, số lượng, nồng độ và hàm lượng các chất trong nước tiểu sẽ hơi khác nhau do các thành phần khác nhau. Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu bao gồm glucose, protein, bilirubin, hồng cầu, bạch cầu, tinh thể và vi khuẩn.
Nước tiểu không màu, trong suốt có thể do uống quá nhiều nước. Điều này có thể khiến thận phải hoạt động liên tục.
Trường hợp nước tiểu vàng sẫm, thậm chí màu mật ong có thể do uống thiếu nước, cần uống thêm nước bù thêm cho cơ thể.
Nước tiểu màu nâu như siro có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị mất nước hoặc đang có bệnh lý về gan
Nước tiểu màu đỏ có thể do ăn các loại rau quả màu đỏ, hoặc có thể là dấu hiệu của một số bệnh như nhiễm trùng đường tiểu, các bệnh về thận, tuyến tiền liệt.
Nước tiểu có máu là một tình trạng cần đi khám bệnh để xác định nguyên nhân. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng bệnh tuyến tiền liệt, nhiễm trùng, nhiễm độc chì hoặc thủy ngân,…
Nước tiểu màu xanh hoặc xanh dương có thể do thực phẩm, tác dụng phụ của thuốc hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Khi bạn thấy các biểu hiện bất thường từ màu sắc nước tiểu hãy thực hiện xét nghiệm để kiểm tra để có thể nắm bắt được tình trạng sức khỏe của mình. Đối với người bình thường cũng nên thực hiện xét nghiệm ít nhất 1 lần/năm để có thể theo dõi các chỉ số trong nước tiểu.
4. Giá trị các chỉ số trong xét nghiệm nước tiểu
Nhiều chất thường chỉ được tìm thấy với một lượng nhất định trong nước tiểu, do đó mức cao hơn hoặc thấp hơn cho thấy có thể có liên quan với một tình trạng bệnh lý nào đó. Các chất sau đây có thể được kiểm tra bằng xét nghiệm nước tiểu nhanh:
+ Giá trị pH: đo độ axit của nước tiểu. Giá trị bình thường tùy thuộc vào chế độ ăn uống, trong khoảng từ 5 đến 7, trong đó các giá trị dưới 5 quá axit gợi ý đến nguy cơ nhiễm toan cơ thể (biến chứng của tiểu đường, tiêu chảy, ...) và giá trị trên 7 không đủ axit gợi ý các bệnh nhiễm trùng.
+ Protein: không thường thấy trong nước tiểu, chỉ số cho phép: trace (vết, không đáng kể): 7.5-20mg/dL hoặc 0.075-0.2 g/L. Nếu tăng có thể là dấu hiệu bệnh lý ở thận, có máu trong nước tiểu hoặc nhiễm trùng đường tiểu. Tăng protein nước tiểu cũng là dấu hiệu của bệnh lý tiền sản giật trong thai kỳ.
+ Đường (glucose): không thường thấy trong nước tiểu, chỉ số cho phép: 50-100 mg/dL hoặc 2.5-5 mmol/L. Glucose tăng cao trong nước tiểu khi giảm ngưỡng thận, có bệnh lý ống thận, tiểu đường, viêm tụy, glucose niệu do chế độ ăn uống hoặc ở phụ nữ mang thai.
+ Nitrite: không thường thấy trong nước tiểu, chỉ số cho phép: 0.05-0.1 mg/dL. Nếu tăng gợi ý nhiễm trùng hệ tiết niệu, nhất là E.coli
+ Ketone: một sản phẩm trao đổi chất, thường không được tìm thấy trong nước tiểu, chỉ số cho phép: 2.5-5 mg/dL hoặc 0.25-0.5 mmol/L. Tăng ketone nước tiểu thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát, chế độ ăn ít chất carbohydrate, nghiện rượu, nhịn ăn trong thời gian dài. Đôi khi ketone xuất hiện ở mức độ thấp đối với phụ nữ mang thai.
+ Bilirubin: sản phẩm phân hủy của huyết sắc tố, không thường thấy trong nước tiểu, chỉ số cho phép: 0.4-0.8 mg/dL hoặc 6.8-13.6 mmol/L. Nếu tăng gợi ý đến các bệnh gan mật như: xơ gan, viêm gan, sỏi mật...
+ Urobilinogen: sản phẩm phân hủy của bilirubin, không thường thấy trong nước tiểu, chỉ số cho phép: 0.2-1.0 mg/dL hoặc 3.5-17 mmol/L. Nếu tăng gợi ý đến các bệnh gan mật như: xơ gan, viêm gan, sỏi mật...
+ Tế bào hồng cầu: không thường thấy trong nước tiểu, chỉ số cho phép: 0.015-0.062 mg/dL hoặc 5-10 Ery/ UL. Nếu dương tính gợi ý đến viêm thận cấp, viêm cầu thận, thận hư, thận đa nang, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm khuẩn nước tiểu, xơ gan...
+ Tế bào bạch cầu: thường không được tìm thấy trong nước tiểu, Chỉ số cho phép: 10-25 Leu/UL, nếu tăng gợi ý đến nhiễm trùng tiết niệu.
5. Chỉ định xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu trong trường hợp nào?
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám tổng quát hàng năm, đánh giá trước khi phẫu thuật, nhập viện, sàng lọc bệnh thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gan,…
- Kiểm tra khi có các triệu chứng ở thận: đau bụng, đi tiểu đau, đau sườn, sốt, đi tiểu ra máu hoặc các triệu chứng tiết niệu khác.
- Chẩn đoán các bệnh: nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, theo dõi điều trị bệnh tiểu đường, suy thận, suy nhược cơ (tiêu cơ vân), protein trong nước tiểu, và viêm thận (viêm cầu thận).
- Theo dõi tiến triển của các bệnh về thận như bệnh thận liên quan đến tiểu đường, huyết áp, suy thận, nhiễm trùng thận,... Đồng thời theo dõi, đánh giá mức độ đáp ứng với điều trị của người bệnh.
- Thử thai, khám thai định kỳ.
6. Một số chú ý khi xét nghiệm nước tiểu
- Nếu bạn chỉ thực hiện phân tích nước tiểu, bạn có thể ăn, uống bình thường trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, khi bạn có những kiểm tra khác cùng lúc, bạn cần phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trước khi kiểm tra tùy thuộc vào loại xét nghiệm. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cũng như lưu ý những gì bạn cần thực hiện trước khi tiến hành xét nghiệm.
- Ngoài ra, nhiều loại thuốc bao gồm cả thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng… có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Vì vậy, trước khi lấy mẫu nước tiểu, bạn hãy thông báo với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc các thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng.
- Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nước tiểu bao gồm:
+ Thực phẩm bổ sung vitamin C
+ Metronidazole
+ Riboflavin
+ Thuốc nhuận tràng nhóm anthraquinon
+ Methocarbamol
+ Nitrofurantoin
7. Cách lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm
- Tùy thuộc vào điều kiện và tình trạng sức khỏe, bạn có thể lấy mẫu nước tiểu tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Nhân viên y tế sẽ đưa cho bạn một lọ đựng mẫu nước tiểu và thường mẫu đầu tiên được lấy vào buổi sáng, vì khi đó nước tiểu cô đặc hơn, kết quả có thể rõ ràng hơn. Bạn cũng được phát phiếu để ghi thông tin cá nhân và điền thông tin trên lọ đựng mẫu hoặc kỹ thuật viên ghi để tránh thất lạc.
- Phương pháp “lấy nước tiểu giữa dòng” là phương pháp thông dụng nhất.