Xét nghiệm acid Uric
Các nguồn chính tạo Acid uric trong cơ thể bao gồm:
1. Thức ăn chứa purin (100 – 200 mg/ngày)
2. Từ nguồn acid uric nội sinh do quá trình thoái hóa biến các acid nucleic của cơ thể (600 mg/ngày)
Quá trình tổng hợp nói trên được được thực hiện chủ yếu ở gan và ở mức ít hơn tại niêm mạc ruột.
Quá trình tổng hợp acid uric cần tới sự xúc tác của enzym xanthin oxydase. Allopurinol ức chế enzym này và được sử dụng để điều trị tăng acid uric máu.
I. GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG:
Nồng độ acid uric trong máu
- Nam: 3,6 – 8,5 mg/dL hay 214 – 506 μmol/L
- Nữ: 2,3 – 6,6 mg/dL hay 137 – 393 μmol/L
II. TĂNG NỒNG ĐỘ ACID URIC TRONG MÁU
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
1. Tăng sản xuất acid uric
- Tăng acid uric máu tiên phát (30% BN gout thuộc loại vô căn)
- Phá hủy tổ chức (Vd: sau hóa trị liệu, xạ trị)
- Gia tăng chuyển hóa tế bào (vd: bệnh leucemia cấp, u lympho)
- Thiếu máu do tan máu (vd: sốt rét, bệnh hồng cầu hình liềm, thiếu G6PD).
- Thức ăn chứa nhiều purin
- Báo phì.
- Nhịn đói.
2. Giảm đào thải acid uric qua thận
- Suy thận.
- Nghiện rượu cấp.
- Dùng thuốc lợi tiểu.
- Tổn thương các ống thận xa.
- Nhiễm toan lactic.
- Suy tim ứ huyết
- Các thuốc gây giảm tải acid uric qua nước tiểu:
+ Aspirin (liều thấp)
+ Thuốc lợi tiểu.
+ probenecid (với liều thấp).
+ Phenylbutazon (với liều thấp).
3. Các nguyên nhân khác
- Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng cấp (hay bệnh nhiễm virus Epstein – Bar)
- Nhiễm độc thai nghén và tiền sản giật.
- Suy cận giáp trạng
- Suy giáp.
- Ngộ độc chì.
- Chấn thương.
III. GIẢM NỒNG ĐỘ ACID URIC TRONG MÁU
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
1. Hòa loãng máu.
2. Hội chứng tiết hormon chống bài niệu (ADH) không thích hợp (SIADH)
3. Tổn thương các ống lượn gần (VD: do tình trạng khiếm khuyết tái hấp thu).
4. Hội chứng Fanconi.
5. Các thuốc gây tăng thải acid uric qua nước tiểu:
- Benzbromaron
- Allopurinol.
- Probenecid (với liều cao).
- Cortison.
- Phenylbutazon (với liều cao).
- Sulfinpyrazon
- Salicylic (với liều cao).
- Acid ascobic
- Các thuốc gây độc cho tế bào để điều trị ung thư (cytotoxic drugs).
- Thuốc cản quang.
6. Bệnh Wilson
7. Thiếu enzym xanthin oxydase.
8. To đầu chi.
9. Bệnh Celiac.
10. Bệnh Hodgkin.
IV. CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM
- Các thuốc có thể làm tăng nồng độ acid uric máu là: Adrenalin, acetaminophen, ampicillin, acid ascobic, thuốc chẹn beeta giao cảm, caffein, các hóa chất điều trị ung thư, cyclosporin, diltiazem, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, G-CSF, isoniazid, levodopa, lisinopril, methyldopa, niacin, thuốc kháng viêm không phải steroid, phenothiazin, rifamcin salicylat, sildenafil, theophyllin, warfarin.
- Các thuốc có thể làm giảm nồng độ acid uric trong máu là: Acetazolamid, allopurinol, aspirin (liều cao), chlorpromazin, corticosteroid, enalapril, estrogen, griseofulvin, lisinopril, lithium, mannitol, marijuana, probenecid, salicylat, verapamil, vinblastin.
V. CẢNH BÁO LÂM SÀNG
- Nếu phát hiện thấy bệnh nhân có tình trạng tăng acid uric máu, cần hướng dẫn bệnh nhân tăng khẩu phần nước uống hàng ngày để dự phòng nguy cơ bị sỏi thận. Khuyên bệnh nhân tránh uống rượu (do đồ uống có cồn gây ức chế bài tiết tinh thể urat qua nước tiểu).
- Nếu phát hiện bệnh nhân có tăng nồng độ acid uric bài tiết qua nước tiểu, cần hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các thức ăn có chứa ít purin. Các nguồn thực phẩm có chứa hàm lượng purin cao bao gồm: măng tây, các đồ uống có chứa caffein, nấm, rau bina (spinach), men rượu bia và các phủ tạng động vật như gan, thận.