Bộ Y tế ngày 1/12 đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế/Bộ Công an; Cục Quân Y/Tổng Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.

Để hiểu rõ hơn, tôi xin chia sẻ một số khái niệm về liều tiêm cơ bản, mũi tiêm bổ sung, mũi tiêm nhắc lại.

- Liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vaccine hướng dẫn và thực hành tiêm chủng. Sau khi hoàn thành liều cơ bản, người được tiêm sẽ có miễn dịch bảo vệ trước SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Cơ sở để đưa ra số liều cơ bản là dựa trên các thử nghiệm lâm sàng (pha 1: đánh giá tính an toàn và bước đầu đánh giá tính sinh miễn dịch, pha 2: đánh giá tính an toàn, xác định liều tối ưu và đánh giá tính sinh miễn dịch, pha 3: đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực của vắc xin)

Mỗi hãng sản xuất vaccine Covid-19 sẽ có số liều cơ bản khác nhau. Ví dụ: vaccine Janssen của hãng Johnson&Johnson có liều cơ bản là 1 mũi. AstraZeneca, Pfizer, Moderna,... là 2 mũi. Với vaccine Abdala của Cuba, liều cơ bản là 3 mũi.

        Sau khi tiêm đủ liều cơ bản, mức độ đáp ứng miễn dịch của từng người là khác nhau. Có người có đáp ứng tốt (miễn dịch tốt, hàm lượng kháng thể cao) và có người đáp ứng không tốt hoặc không đáp ứng (hàm lượng kháng thể rất thấp/ thấp/ không đạt ngưỡng bảo về). Và trên thực tế, chúng ta nhận thấy sau một thời gian miễn dịch của cơ thể với liều cơ bản bị giảm dần. Vì vậy người dân cần được tiêm mũi tăng cường. Lúc này có 02 tình huống xảy ra:

- Thứ nhất với những người có miễn dịch kém dù đã được tiêm liều cơ bản. Các trường hợp này có thể mắc bệnh lý bẩm sinh liên quan hệ miễn dịch, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, ung thư, HIV hoặc bệnh nhân ghép tạng đang dùng thuốc chống thải ghép hoặc là người không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với vắc xin...Những người này phải được tiêm một mũi vaccine nữa so với liều cơ bản. Đây được gọi là “mũi bổ sung”.

Với mũi bổ sung, người dân sẽ không cần đợi lâu. Sau một tháng kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản, người dân đã có thể được tiêm ngay mũi vaccine bổ sung. Người dân có thể sử dụng chính loại vaccine đã được tiêm ở liều cơ bản để tiêm mũi bổ sung. Nếu không, có thể dùng vaccine mRNA (như của Pfizer, Moderna...) để thay thế. Ngoài ra, thay vì một tháng, thời gian để tiêm mũi bổ sung có thể dài hơn tùy vào sự sẵn sàng của vaccine.

- Thứ hai, với người có đáp ứng miễn dịch tốt, có hàm lượng kháng thể cao, đạt trên ngưỡng kháng thể bảo vệ với tác nhân gây bệnh (virus SARS-CoV-2…) Những người này sẽ không cần tiêm mũi bổ sung. Tuy nhiên, sau khoảng từ 4 - 6 tháng (thường là 6 tháng) kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản, những người này có thể tiêm mũi nhắc lại.

Đối tượng dành cho cho mũi tiêm vaccine nhắc lại là người mắc bệnh nền, tiếp xúc nhiều với F0, bác sĩ tuyến đầu hay những trường hợp có nghề nghiệp bắt buộc phải thường xuyên gặp gỡ, giao lưu

Ngoài ra, các đối tượng tiêm mũi bổ sung cũng có thể tiêm mũi nhắc lại như những đối tượng được liệt kê ở trên.

TS Phạm Ngọc Hùng