Ung thư vòm mũi họng và EBV
Ung thư vòm mũi họng là ung thư thường gặp nhất ở vùng đầu cổ và mang tính khu vực. Theo số liệu của Globocan, trên thế giới hàng năm có khoảng 80.000 trường hợp mắc mới. Ở phía nam Trung Quốc, tỉ lệ mắc cao, 25 trường hợp trên 100.000 dân; trong khi ở Mỹ và châu Âu tỉ lệ mắc thấp hơn từ 0.5 đến 2 trường hợp trên 100.000 dân. Ở Việt Nam, ung thư vòm mũi họng đứng hàng thứ 5 trong 10 loại ung thư phổ biến, tỉ lệ mắc từ 5,2 đến 13,2 trường hợp trên 100.000 dân. Các báo cáo dịch tễ đều ghi nhận tỉ lệ mắc ở nam cao hơn nữ, thường gấp từ 2-3 lần.
Giả thuyết đầu tiên cho rằng EBV (Epstein Barr virus) có thể liên quan đến ung thư vòm mũi họng đã được đề cập bởi Old và cs năm 1965. Các loại kháng thể kháng EBV, cả IgG và IgA ở BN ung thư vòm mũi họng cao hơn 8 -10 lần BN ung thư khác hoặc người khỏe mạnh. Những kháng thể kháng kháng nguyên EBV là VCA, EAD, EBNA của virus đã được phát hiện. Kết quả của xét nghiệm này đã cho thấy tỉ lệ ung thư vòm mũi họng ở những người có IgA/VCA dương tính cao hơn hàng trăm lần những cá thể âm tính. Xét nghiệm này rất có giá trị dùng để phát hiện những người có nguy cơ cao ung thư vòm mũi họng.
Mối quan hệ này được khẳng định thêm bởi việc phát hiện sự có mặt của DNA EBV trong những mẫu sinh thiết ung thư vòm mũi họng bằng kỹ thuật in situ hydridazation. Thêm nữa, các bản sao gen của EBV là EBER, EBNA1, LMP-1, LMP-2 đã tìm thấy ở hầu hết các mẫu sinh thiết ung thư vòm mũi họng hoặc ở tổn thương quá sản tại biểu mô vòm họng gồm những dòng tiền ác tính của tế bào bị nhiễm EBV, phù hợp với giả thuyết cho rằng EBV là yếu tố khởi phát trong cả quá trình gồm nhiều giai đoạn dẫn đến sự phát triển ung thư vòm mũi họng.
EBV gây bệnh truyền nhiễm trên người, lây qua đường tiêu hóa, thường được phát hiện trong chất tiết ở phần trên hệ tiêu hóa và hô hấp như nước bọt, dịch vùng hòng. EBV có tính hướng hệ bạch huyết hấp phụ lên tế bào lympho B.
Sau khi vào tế bào, DNA của virus gắn vào genome của tế bào chủ ở dạng phân tử vòng, ngoài NST, hòa phối vào chu kỳ tế bào, các sản phẩm của virus biểu lộ trên tế bào bị nhiễm virus.
EBV gây sơ nhiễm và tồn tại lâu dài trong cơ thể mà không gây bệnh. EBV là nguyên nhân gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, và có liên quan đến cơ chế tiến triển của một số loại ung thư như tăng sinh lympho B hay u lympho Burkit, bệnh Hodgkin, ung thư biểu mô vòm họng. Đặc trưng của các khối u này là các tế bào u chứa một lượng lớn các bản sao hệ gen của EBV và xuất hiện sự biểu hiện các gen protein mang tang nhiễm cho một lượng lớn các sản phẩm protein mà nó có thể đóng vai trò chuyển hóa khối u từ lành tính sang ác tính.