Tại sao mang virus B mạn tính lại nguy hiểm?
Viêm gan virus B là một bệnh do virus viêm gan B gây ra. Virus này có 8 genotype khác nhau từ A, B, C, D, E, F, G, H. Trên thế giới có khoảng 1/3 dân số tức là trên 2 tỉ người bị nhiễm virus viêm gan B và khoảng 350 triệu người trong số họ trở thành mang virus mạn tính. Ở người lớn bị viêm gan virus B cấp tính có khả năng khỏi bệnh cao hơn rất nhiều sovới trẻ em. Ở người lớn bị viêm gan virus B cấp tính 90% số trường hợp sẽ khỏi hoàn toàn còn lại chỉ 10% trở thành viêm gan virus B mạn tính. Nếu trẻ em nhiễm virus viêm gan B do lây truyền từ mẹ thì 98% những trẻ em này sẽ mang virus suốt đời và 40% trong số này có nguy cơ sẽ chết vì bệnh xơ gan và ung thư gan. Nếu trẻ em bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh trong độ tuổi từ 1-6 thì 70% số trẻ này sẽ khỏi hoàn toàn.
Đường lây truyền của viêm gan virus B
- Lây truyền qua đường máu: hay gặp, do truyền máu và chế phấm của máu có nhiễm virus viêm gan B, dùng kim tiêm chung mà chưa được khử trùng theo đúng tiêu chuẩn.
- Lây truyền qua quan hệ tình dục.
- Truyền từ mẹ sang con: Virus được truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ mà không phải trong thời kỳ mang thai. nếu trong cơ thể mẹ có virus viêm gan B thì khả năng lây truyền từ mẹ sang con ngay sau khi lọt lòng là 50-90% tùy theo nồng độ virus trong huyết thanh của mẹ cao hay thấp và người mẹ có HBsAg dương tính hay âm tính. Đây là con đường lây truyền nguy hiểm cần phải phòng tránh.
Diễn biến của nhiễm viêm gan virus B
Sau khi nhiễm virus viêm gan B, phần lớn người bệnh không có biểu hiện của bệnh, chỉ có một số ít người có biểu hiện viêm gan virus B cấp tính đó là: mệt mỏi; chán ăn, sợ mùi thức ăn, đặc biệt là thức ăn có nhiều chất béo và nhiều chất đạm (trứng, thịt, cá); đau mỏi toàn thân; đi tiểu nướctiểu sẫm màu như nước trà đặc hoặc nước vối; tiếp sau đó da và củng mạc mắt vàng tăng dần. Sau 1-2 tháng diễn biến bệnh nhân dần hồi phục. Tuy nhiên, trong giai đoạn viêm gan cấp có một tỉ lệ rất ít bệnh nhân có thể viêm gan nặng và suy gan dẫn tới tử vong.
|
Hình:Tiến triển từ gan bình thường thành xơ gan và ung thư gan |
Khoảng 10% số người lớn sau khi bị viêm gan virus B cấp tính sau 6 tháng vẫn chưa sạch virus mà chuyển sang giai đoạn mạn tính. Trong trường hợp điển hình viêm gan virus B mạn tính, bệnh nhân có từng đợt mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, đau vùng gan, có thể có vàng da, khi đi khám bệnh thường được phát hiện có gan to chắc. Thật không may mắn cho người bệnh, ở giai đoạn mạn tính hầu như không có biểu hiện các triệu chứng, mặc dù, bệnh vẫn tiến triển âm thầm dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Cách xác định có bị nhiễm virus viêm gan B hay không?
Muốn biết mình có nhiễm virus viêm gan B chỉ cần xét nghiệm HBsAg trong máu. Nếu kết quả cho thấy có dương tính với HBsAg tức là mình đã bị nhiễm virus viêm gan B. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính với HBsAg mà có dương tính với Anti-HBs có nghĩa là mình đã có nhiễm virus viêm gan B nhưng đã khỏi và hiện tại đã có miễn dịch với virus viêm gan B. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính với HBsAg mà đồng thời có âm tính với Anti-HBs thì trường hợp này cần phải đi tiêm phòng vì cơ thể chưa bị nhiễm virus viêm gan B và cũng chưa có khả năng miễn dịch với bệnh.
Sau khi có viêm gan virus B cấp tính nếu sau 6 tháng mà xét nghiệm HBsAg vẫn dương tính tức là người đó đã chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Điều trị viêm gan virus B
Phần lớn viêm gan virus B cấp tính không cần dùng thuốc đặc hiệu để điều trị virus vì 90% số trường hợp mắc bệnh ở người lớn hoặc trẻ em lớn bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Trong giai đoạn cấp tính người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi đảm bảo dinh dưỡng tốt bệnh sẽ dần hồi phục. Theo khuyến cáo của Hội Gan Mật Hoa Kỳ (American association for the study of liver diease - AASLD) viêm gan virus B mạn tính chỉ điều trị khi men gan ALT (Alanineaminotranferase) tăng cao trên 2 lần trở lên so với bình thường. Trên thế giới ngày nay ALT đối với người khỏe mạnh bình thường < 30 IU/ml đối với nam giới và <19 IU/ml đối với nữ giới. Trong trường hợp ALT cao ít hơn hoặc không cao mà khi sinh thiết gan cho thấy có viêm hoại tử nhiều hoặc xơ nhiều thì cũng có chỉ định điều trị.
Các thuốc điều trị viêm gan: có hai nhóm thuốc đó là các thuốc uống có nguồn gốc nucleoside và thuốc tiêm là các interferon. Các thuốc nucleoside bao gồm: Lamivudine, Adefovir, Telbuvidine, Entecavir, Tenofovir. Những thuốc này dễ sử dụng nhưng phải dùng thuốc kéo dài. Các thuốc interferon gồm có Interferon-α và Peg-interferon α. Những thuốc tiêm này ít có hiệu quả đối với người Việt Nam bị viêm gan virus B mạn tính, bởi vì, nhóm thuốc này có tác dụng tốt với viêm gan virus B mạn tính do genotype A mà người Việt Nam chủ yếu là genotype B và C gây ra.
Phòng ngừa bệnh và biến chứng
- Đối với người chưa có miễn dịch với virus viêm gan B cần tiêm phòng.
- Đối với trẻ em sinh ra từ mẹ mà xét nghiệm có HBsAg dương tính cần được dùng globulin miễn dịch và tiêm phòng vaccine trong vòng 12 giờ ngay sau khi sinh sẽ giúp giảm 95% khả năng lây truyền từ mẹ sang con.
- Đối với những người viêm gan virus B mạn tính mà chưa có chỉ định điều trị cần theo dõi thường xuyên cứ 3-6 tháng một lần bằng xét nghiệm ALT trong máu, αFP và siêu âm gan.
- Không dùng dao cạo râu và bàn chải đánh răng chung với người có nhiễm virus viêm gan B.
- Trước khi kết hôn cần thử HBsAg nếu vợ hoặc chồng có nhiễm virus viêm gan B mà người kia chưa có miễn dịch cần tiêm phòng trước khi kết hôn.
Những quan niệm sai lầm trong dân gian
- Bệnh viêm gan B là bệnh di truyền vì thế thường thấy nhiều người trong gia đình cùng bị bệnh:
Quan điểm khoa học: Đây là bệnh truyền nhiễm không phải bệnh di truyền, tuy nhiên nếu mẹ bị nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ cao lây truyền sang con trong quá trình sinh đẻ, nhưng có thể hạn chế tới 95% nguy cơ này nếu dự phòng đúng cách.
- Ăn uống chung hoặc tiếp xúc với người bị viêm gan B sẽ bị lây:
Quan điểm khoa học: viêm gan B không lây theo đường ăn uống giống viêm gan virus A, E nên khi ăn chung không bị lây truyền. Vì bệnh chỉ lây theo đường máu nên trong gia đình không được dùng dao cạo râu và bàn chải đánh răng chung với người có nhiễm virus viêm gan B.
- Các loại thảo dược như: thuốc bắc, thuốc nam có thể điều trị khỏi hoàn toàn viêm gan virus B:
Quan điểm khoa học: Cho tới nay chưa có công trình khoa học đáng tin cậy nào cho thấy thuốc nam hoặc thuốc bắc có thể chữa khỏi hoàn toàn viêm gan virus B. Viêm gan virus B cấp tính không cần điều trị gì đặc hiệu sau 3-6 tháng 90% số người mắc bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Ở những người viêm gan virus B mạn tính khi dùng thuốc nam hoặc thuốc bắc có thể cải thiện tình trạng chung như: ăn ngon, ngủ tốt hơn nhưng ngày nay khi các phương tiện xét nghiệm hiện đại cho phép đo được nồng độ virus viêm gan B trong máu cho thấy thực chất virus vẫn nhân lên trong cơ thể và gây tổn thương gan.
- Cục quản lý dược và thực phẩm của Hoa Kỳ (FDA) cho thấy có nhiều thuốc có nguồn gốc thảo dược có thể gây viêm gan do đó đã cấm sử dụng một số thảo dược như: Ma Huang, Kava, Ephedrine, Germander, Jin Bu Huan, Sassafra, v.v. Vì vậy, cần rất thận trọng khi sử dụng thảo dược để điều trị viêm gan virus B.
- Tất cả người viêm gan B đều sẽ chết vì xơ gan và ung thư gan:
Quan điểm khoa học: Ở người lớn viêm gan virus B cấp tính thì 90% số trường hợp sẽ khỏi hoàn toàn còn lại chỉ 10% trở thành viêm gan virus B mạn tính, mà chỉ có viêm gan virus mạn tính không được theo dõi và điều trị mới gây ra xơ gan và ung thư gan.
- Người bị viêm gan virus mạn tính phải có biểu hiện: đau vùng gan, không ăn được, sụt cân, vàng da:
Quan điểm khoa học: Hầu hết bệnh nhân bị viêm gan virus B mạn tính không có biểu hiện ra ngoài mặc dù bệnh vẫn tiến triển âm thầm dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
- Cứ tiêm phòng virus viêm gan B là không bị viêm gan virus B:
Quan điểm khoa học: Tiêm vaccine phòng bệnh chỉ có tác dụng khi người đó chưa có nhiễm virus viêm gan B và sau tiêm phải tạo ra được nồng độ kháng thể Anti-HBs > 10 IU/l mới có tác dụng phòng mắc bệnh vì vậy trước khi tiêm phòng cần xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính với HBsAg mà đồng thời có âm tính với Anti-HBs hoặc nồng độ Anti-HBs thấp < 10 IU/l thì cần phải đi tiêm phòng vì cơ thể chưa bị nhiễm virus viêm gan B và cũng chưa có khả năng miễn dịch với bệnh hoặc đáp ứng miễn dịch còn thấp chưa đủ khả năng bảo vệ. Nếu có HBsAg dương tính việc tiêm phòng không có tác dụng dự phòng.
- Khi xét nghiệm mà có HBsAg dương tính phải kiêng ăn các thức ăn có nhiều đạm và chất béo như thịt cá, trứng, sữa…
Quan điểm khoa học: Đối với những người không bị béo không phải kiêng thức ăn gì đặc biêt họ có thể ăn uống bình thường và không dùng đồ uống có cồn như: bia, rượu.
TS.BS. Vũ Trường Khanh
Phó trưởng Khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Bạch Mai