Sốt xuất huyết là một trong những bệnh nguy hiểm ở người do muỗi mang virut gây ra, căn bệnh này đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng 50-100 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết mỗi năm trên toàn thế giới.

     Các virut sốt xuất huyết gây bệnh thuộc chi Flavivirus, trong họ Flaviviridae. Virut sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh (serotypes) là DENV-1, DENV-2, DENV3 và DENV4 và mỗi kiểu huyết thanh có ít nhất là 4 kiểu gen khác nhau. Sơ nhiễm với một kiểu huyết thanh sốt xuất huyết nhất định sẽ hình thành miễn dịch lâu dài đối với kiểu huyết thanh đó (miễn dịch cùng kiểu). Miễn dịch đối với các kiểu huyết thanh sốt xuất huyết khác nhau (miễn dịch khác kiểu) kéo dài khoảng vài tháng sau khi người bệnh bị lây nhiễm các loại huyết thanh sốt xuất huyết khác loại này.

     Tất cả các flavivirus là những virut có bộ gen là sợi ARN dương, có màng lipit bao bọc. Hệ gen ARN này của virut sốt xuất huyết dài khoảng 10.7kb và mã hóa cho ba protein cấu trúc có tên là protein vỏ C, protein màng/ hoặc tiền màng NS và protein màng E. Bên cạnh những protein cấu trúc này còn có bảy protein phi cấu trúc khác tham gia vào sự nhân lên của virut và quá trình phát sinh bệnh. Thông tin mã hóa cho các protein của virut được chứa trong hệ gen là C-prM-E-NS1-NS2A-NS2B-NS3-NS4A-NS4B-NS5.

     Bệnh gây ra bởi bốn kiểu huyết thanh virut sốt xuất huyết từ lây nhiễm không triệu chứng bệnh tới sốt vô định, sốt Dengue (DF), và sốt xuất huyết Dengue (DHF). Sốt xuất huyết Dengue đặc trưng bởi sốt, chảy máu tạng và rò huyết tương dẫn đến hội chứng sốc có nguy cơ tử vong. Lây nhiễm sốt xuất huyết làm hư hại các cơ quan trong cơ thể, chủ yếu liên quan đến hệ thần kinh và gan. Các biểu hiện huyết học đặc trưng như các rối loạn hệ mạch, rối loạn đông máu, và tình trạng tiểu cầu trong máu sụt giảm số lượng một cách bất thường. Các phân tích chẩn đoán trong phòng thí nghiệm gồm phân lập virut, xác định huyết thanh, phát hiện sự có mặt của axit ribonucleic của virut sốt xuất huyết. Việc điều trị thành công chủ yếu dựa vào việc phát hiện sớm bệnh và kiểm soát sốc tốt. Sự phân loại sốt xuất huyết dựa trên tình trạng bệnh, phục vụ cho sự can thiệp y tế đã được phát triển và chú trọng ở nhiều quốc gia.

     Việc ngăn ngừa bệnh phụ thuộc chủ yếu vào việc kiểm soát vectơ muỗi mang virut gây bệnh (vector truyền bệnh). Vectơ gây bệnh chủ yếu là muỗi Aedes aegypti sống ở các thành phố, đã tràn lan ra các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó lan rộng toàn cầu với sự gia tăng về đi lại và thương mại trong 50 năm qua. Vectơ thứ yếu là Aedes albopictus đã lan tràn cực kỳ rộng rãi trong những năm gần đây. Những nguyên nhân của việc lây lan này là sự gia tăng dân số, đô thị hóa, sự thay đổi môi trường, sự biến đổi khí hậu, phương tiện vận tải hiện đại, thiếu nước, và thiếu trách nhiệm của chính phủ, cũng như thiếu sự hợp tác liên ngành.

     Sự phát sinh bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa được hiểu rõ ràng. Một giả thuyết liên quan đến độc tố virut đang được tranh luận với giả thuyết tăng cường miễn dịch. Mặc dù tình trạng bệnh sốt xuất huyết cho thấy bằng chứng khác nhau về mặt di truyền trong các chủng sốt xuất huyết, độc tố virut rất khó để xác định bởi vì thiếu các mô hình in vivo (mô hình trong cơ thể sống) và in vitro (mô hình trong ống nghiệm) của bệnh. Sốt xuất huyết là mối đe dọa nghiêm trọng và đang gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng ở Đông Nam Á, khu vực này chiếm gần 75% thảm họa sốt xuất huyết hiện nay. Thuốc kháng virut đặc hiệu không hiệu quả với sốt xuất huyết và việc ngăn ngừa bằng cách kiểm soát vector chỉ có những thành công giới hạn. Vacxin sốt xuất huyết đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, với những ứng cử viên tiên phong đang trong giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng. Vacxin sốt xuất huyết có thể sẽ là giải pháp quan trọng trong việc kiểm soát bệnh sốt xuất huyết.

     Chẩn đoán

     Việc chẩn đoán nhiễm virut sốt xuất huyết thường không thể chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng bởi vì triệu chứng sốt nhiều khi không rõ ràng, khó phân biệt với sốt do các nguyên nhân khác. Do đó, việc chẩn đoán sớm sốt xuất huyết Dengue thường phải dựa vào các xét nghiệm kháng thể Dengue IgM và IgG hoặc Real-time PCR để phát hiện ARN Dengue. Tuy nhiên, kháng thể Dengue IgM thường xuất hiện muộn vào ngày thứ 4 và Dengue IgG thường xuất hiện kể từ ngày thứ 7 sau khi nhiễm Dengue nguyên phát, nên việc chẩn đoán thường chậm; còn Real-time PCR để phát hiện ARN Dengue sớm (từ ngày 1 đến ngày 5 kể từ khi xuất hiện sốt) nhưng chỉ có thể thực hiện được ở các phòng xét nghiệm hiện đại.

     Gần đây, kháng nguyên Dengue NS1 (NS1 antigen) được cho là một dấu chuẩn sinh học mới cho chẩn đoán sớm nhiễm virus Dengue. Kháng nguyên Dengue NS1 là một glycoprotein phi cấu trúc của virus Dengue, được tổng hợp ở cả ở dạng màng tế bào và dạng được bài tiết, xuất hiện trong huyết thanh bệnh nhân nhiễm virut Dengue giai đoạn sớm, trước khi hình thành các kháng thể Dengue IgM và IgG. Kháng nguyên Dengue NS1 có thể phát hiện trong máu từ ngày đầu tiên cho đến ngày thứ 7 sau khi xuất hiện sốt.

     Khi bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ sốt Dengue như đau đầu, khó chịu, mệt mỏi, đau nhức cơ, nốt xuất huyết,… để chẩn đoán một cách đầy đủ các giai đoạn của nhiễm virut sốt Dengue, xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 và các kháng thể Dengue IgM và IgG cần phải được chỉ định cùng với nhau.

     Để phát hiện 4 týp huyết thanh DENV-1, DENV-2, DENV3 và DENV4, cần phải chỉ định thêm xét nghiệm Dengue-RNA từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 5 sau khi xuất hiện sốt.

     Để đánh giá nguy cơ xuất huyết và tình trạng cô đặc máu, cần chỉ định thêm xét nghiệm tổng phân tích máu, trong đó cần chú ý đến số lượng bạch cầu, tiểu cầu và hematocrit.

     Để đánh giá mức độ sốt xuất huyết Dengue, cũng cần chỉ định thêm một số xét nghiệm khác như điện giải đồ, khí máu, chức năng đông máu, enzyme nguồn gốc gan hoặc X quang phổi.

     Kết hợp các loại xét nghiệm này, đánh giá theo thời gian diễn biến của bệnh, có thể biện luận các kết quả như sau:

     1. Từ ngày 1 đến ngày 5 sau khi xuất hiện sốt:

     – Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (-) tính và IgG (-) tính, Dengue RNA (-) tính: sốt Dengue cấp thể nguyên phát, giai đoạn rất sớm.

     – Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (-) tính và IgG (-) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể nguyên phát.

     – Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (+) tính và IgG (-) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể nguyên phát.

     – Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (-) tính và IgG (+) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể thứ phát.

     – Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (+) tính và IgG (+) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể thứ phát.

     Tất cả các xét nghiệm trên có tỷ lệ phát hiện nhiễm virus Dengue cao nhất ở ngày thứ 3 và ngày thứ 4. Tỷ lệ phát hiện các kháng thể Dengue IgM và IgG cao hơn kháng nguyên Dengue NS1 và Dengue PCR vào giữa ngày thứ 5 và ngày thứ 6 kể từ khi xuất hiện sốt.

     2. Từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 9 sau khi xuất hiện sốt:

     – Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (+) tính và IgG (-) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể nguyên phát.

     – Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (+) tính và IgG (+) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể thứ phát.

     3. Từ sau ngày thứ 9 sau khi xuất hiện sốt:

     Giá trị chẩn đoán của cả 3 loại xét nghiệm trên đều giảm một cách có ý nghĩa, chỉ còn (+) tính khoảng 0,8-1,6%, kể từ ngày thứ 9 sau khi xuất hiện sốt.

     Đối với xét nghiệm Tổng phân tích máu: trong sốt Dengue có thể có giảm bạch cầu, thường có giảm số lượng tiểu cầu (<100 Giga/L), số lượng tiểu cầu giảm tỷ lệ với nguy cơ xuất huyết; sốt Dengue thường có sự cô đặc máu do thoát huyết tương, khi giá trị hematocrit tăng trên 20% so với giá trị trước đó hoặc tăng > 45% giá trị của người bình thường thì được coi là bị cô đặc máu.