Bệnh tả hay tả (tên tiếng anh là Cholerae) thuộc nhóm những bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở đường tiêu hóa. Tả được gây ra bởi các tác nhân vi khuẩn tả Vibrio cholerae. Nó thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp. Theo đó, bệnh chủ yếu gây nôn mửa, tiêu chảy,… khiến bệnh nhân mất nước, điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây tử vong do trụy tim mạch và kiệt sức.

Môi trường sống thuận lợi cho chúng là nơi có nhiều chất dinh dưỡng, trong nước, thức ăn, cơ thể của những loại động vật biển. Khi sống trong môi trường có nhiệt độ lạnh vi khuẩn này có thể kéo dài sự sống từ vài ngày đến 2 – 3 tuần. Các vi khuẩn này sẽ bị diệt trừ nếu rơi vào nhiệt độ cao 80 độ C/5 phút, các hóa chất diệt khuẩn hay trong môi trường axit.

        Bệnh tả thường ở vùng có điều kiện vệ sinh kém, môi trường ô nhiễm, nguồn nước bẩn, dân cư đông đúc,… Bệnh có thể lây nhiễm cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện ở người già và trẻ nhỏ bởi họ thường có sức đề kháng yếu hơn người bình thường. Bên cạnh đó, một số trường hợp như: Người suy dinh dưỡng, người bị giảm hoặc không có axit trong dạ dày, người có hệ miễn dịch bị tổn hại,… khi bị nhiễm vi trùng tả cũng dễ bị bệnh.

            1. Biện pháp dự phòng

1.1. Tuyên truyền giáo dục cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng các kiến thức về bệnh tả và tiêu chảy cấp, các biện pháp thực hành vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh) vệ sinh môi trường (sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không vứt rác xuống các ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước, diệt ruồi); an toàn vệ sinh thực phẩm (ăn chín, uống chín); bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch; khi có người bị tiêu chảy cấp, nhanh chóng báo cáo cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

1.2. Tăng cường cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.

1.3. Tăng cường việc thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tại các cơ sở chế biến thực phẩm, chợ, nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học, thức ăn đường phố...

1.4. Duy trì thường xuyên việc giám sát các trường hợp tiêu chảy cấp, đặc biệt chú ý các vùng trọng điểm và vào mùa dịch, kịp thời phát hiện các ca bệnh đầu tiên.

1.5. Luôn sẵn sàng có đội cơ động phòng chống dịch ở từng tuyến. Chuẩn bị các cơ số dự trữ cho chống dịch tả.

1.6. Gây miễn dịch chủ động bằng vắc xin: Hiện nay có 3 loại vắc xin tả được chứng minh là an toàn, sinh miễn dịch và có hiệu qủa.

- Vắc xin tả chết toàn tế bào với tiểu đơn vị B tái tổ hợp tinh chế của độc tố tả (WC/rBS), uống 2 liều cách nhau 10 - 15 ngày, có tác dụng bảo vệ 85 - 90% trong vòng 6 tháng;

- Vắc xin tả chết toàn tế bào hiện đang được sử dụng ở Việt Nam (WC), uống 2 liều cách nhau 10-15 ngày, hiệu lực bảo vệ khoảng 66%.

- Vắc xin tả sống đã làm yếu đi (CVD 103-HgR), uống 1 liều, bảo vệ cao 95%. 

Tổ chức Y tế Thế giới chính thức khuyến nghị sử dụng vắc xin tả trong những khu vực khẩn cấp (thiên tai, địch họa) như là biện pháp y tế công cộng bổ trợ cho các biện pháp phòng bệnh như cải thiện hệ thống cấp nước hợp vệ sinh và giáo dục sức khoẻ. Cần tiến hành song song với các biện pháp tăng cường giám sát và cảnh báo sớm.

2. Biện pháp chống dịch

2.1. Xác định tình trạng dịch: Một "vụ dịch tả" được xác định khi có ít nhất 1 ca bệnh tả được xác định bằng chẩn đoán phòng thí nghiệm. Sau khi đã xác định là vụ dịch tả, mọi trường hợp tiêu chảy cấp có trong ổ dịch, dù chưa được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm, cũng đều được coi là ca bệnh nghi ngờ tả và phải được xử lý như một ổ dịch tả.

2.2. Báo cáo khẩn cấp: Khi có trường hợp tiêu chảy cấp nghi tả, các cơ sở y tế phải báo cáo ngay theo chế độ báo cáo khẩn cấp của Bộ Y tế.

2.3. Công bố dịch: Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, bệnh tả là bệnh truyền nhiễm nhóm A, việc công bố dịch tả thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2.4. Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả các cấp nhằm phối hợp giữa các ban ngành liên quan tại địa phương để chỉ đạo, điều hành nhanh và hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch. Ngành y tế là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

2.5. Thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị, điều tra, xử lý và giám sát ổ dịch.

2.6. Xử lý ổ dịch

a. Đối với bệnh nhân:

- Cách ly bệnh nhân, tổ chức điều trị tại chỗ, tránh vận chuyển xa để hạn chế sự reo rắc mầm bệnh và tử vong dọc đường.

- Khẩn trương bù nước, điện giải và dùng kháng sinh đặc hiệu theo đúng phác đồ quy định.

- Khử khuẩn tẩy uế:

+ Phân và chất thải của bệnh nhân phải được tiệt khuẩn bằng vôi bột hoặc cloramin B.

+ Quần áo, chăn màn của bệnh nhân phải nhúng, dội nước sôi hoặc ngâm vào dung dịch cloramin B 1-2 % để trong 2 giờ trước khi đem giặt hoặc nước Javen 1-2%. Bô, chậu của bệnh nhân phải ngâm vào dung dịch cloramin B 5% trong 20 - 30 phút trước khi đem rửa sạch. Dụng cụ của bệnh nhân cũng phải được khử khuẩn bằng các hóa chất trên.

+ Môi trường ô nhiễm xung quanh khu vực bệnh nhân phải được xử lý bằng cloramin B hoặc vôi bột mỗi tuần 1-2 lần và liên tục trong vòng 3-5 tuần.

+ Nền nhà, tường nhà phun dung dịch cloramin B 5% với liều lượng 0,5 lít/m2.

+ Phương tiện chuyên chở bệnh nhân phải sát khuẩn tẩy uế bằng cloramin B 5%

+ Nếu có bệnh nhân tử vong do bệnh tả thì tử thi bệnh nhân phải được liệm trong quan tài có vôi bột hoặc cloramin B, bọc thi thể bằng vải không thấm nước, chôn cất sớm và phải chôn sâu 2 mét hoặc hỏa thiêu.

b. Đối với người tiếp xúc:

- Theo dõi tất cả những người đã ăn uống chung, phục vụ, ở chung với bệnh nhân tả trong vòng 5 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối cùng. Cần phổ biến cho những người này, nếu thấy xuất hiện tiêu chảy phải báo cáo ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị và lấy bệnh phẩm xét nghiệm.

- Những người trong gia đình bệnh nhân, nhân viên y tế trực tiếp phục vụ và những người có tiếp xúc trực tiếp khác, những người cùng ăn với bệnh nhân loại thực phẩm nghi ngờ có liên quan nên được điều trị dự phòng bằng kháng sinh càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không nên chỉ định dùng kháng sinh dự phòng rộng rãi vì ít hiệu quả và có thể làm tăng tỷ lệ kháng kháng sinh tại cộng đồng. Người lành mang vi khuẩn phải được điều trị kháng sinh đặc hiệu với liều lượng và thời gian như­ đối với bệnh nhân tả có triệu chứng. Phân và chất thải của những người này cũng phải được xử lý theo quy định.

c. Xử lý nguồn nước ăn, nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh ăn uống:

- Thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch. Dùng clo để khử khuẩn nước sinh hoạt cho nhân dân. Chỉ dùng nước đã đun sôi để uống. Nước ăn, nước rửa bát đĩa và các đồ đựng thực phẩm phải từ nguồn nước đã khử khuẩn bằng clo và không bị nhiễm bẩn.

- Ở thành phố, cần kiểm tra chặt chẽ hệ thống đường ống dẫn nước, đảm bảo nồng độ clo dư trong nước máy đúng tiêu chuẩn quy định 0,3-0,5 mg/lít. Ở các vùng nông thôn, cần kiểm soát các nguồn nước giếng ăn, nước sông, ngòi, ao, hồ dùng để ăn và rửa thực phẩm. Cần xử lý nước ăn và nước sinh hoạt bằng cloramin B theo đúng nồng độ quy định là 10 mg/lít.

d. Xử lý vệ sinh môi trường:

- Tuyên truyền cho nhân dân biết cách tự phòng bệnh như ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, tiết canh, nước đá, mắm ruốc, mắm tôm, hải sản chưa chín kỹ... và vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Hạn chế hội họp, hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin.

- Tổng vệ sinh, thu gom rác, diệt ruồi. Nghiêm cấm phóng uế bừa bãi, vận chuyển và sử dụng phân tươi.

- Kiểm tra chặt chẽ các cửa hàng ăn uống, giải khát, đặc biệt là những nơi chế biến thức ăn, nhà máy nước để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng chống dịch tả.

e. Công tác kiểm tra, giám sát: Trong thời gian có dịch, cần tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại địa phương, tập trung vào nơi có các ổ dịch, nơi có nguy cơ xảy dịch cao.

f. Xác định ổ dịch tả chấm dứt hoạt động: Sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, dựa vào các tiêu chuẩn sau để xác định và thông báo ổ dịch đã chấm dứt hoạt động:

- Đã xử lý tiệt khuẩn ổ dịch, vệ sinh môi trường, điều trị dự phòng và điều trị đặc hiệu với những người trong ổ dịch.

- Không có trường hợp mắc mới tiêu chảy cấp trong vòng 15 ngày.

- Không tìm thấy vi khuẩn tả gây bệnh ở người tiếp xúc, ở nguồn nước ăn uống, sinh hoạt và thực phẩm.

3. Nguyên tắc điều trị

- Cách ly bệnh nhân, nên tổ chức cấp cứu tại chỗ, cần tăng cường bác sỹ và điều dưỡng từ tuyến trên xuống hỗ trợ, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dịch truyền, dây truyền...

- Bồi phụ nước, chất điện giải nhanh chóng và đầy đủ thông qua đường uống (sử dụng ORS) hoặc truyền tĩnh mạch tuỳ tình trạng nguy kịch của bệnh.

- Sử dụng kháng sinh hợp lý dựa trên kết quả kháng sinh đồ. Nên dùng nhóm fluoroquinolon (Ciprofloxacin 1g/ngày, Norfloxacin 800mg/ngày, Ofloxacin 400mg/ngày) uống chia hai lần/ngày, trong 3 ngày. Đối với phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi, dùng azithromycin (liều 20mg/kg). Điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc mật thiết với một liều điều trị duy nhất

- Không được dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột như morphin, opizoic, atropin...

- Nên cho bệnh nhân ăn sớm, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Đối với trẻ còn bú, cần tăng cường bú mẹ.

- Tiêu chuẩn ra viện: Hết tiêu chảy, tình trạng lâm sàng ổn định, kết quả xét nghiệm cấy phân âm tính 3 lần liên tiếp. Nếu những cơ sở không có điều kiện cấy phân thì cho bệnh nhân ra viện sau khi ổn định về mặt lâm sàng được 1 tuần.

4. Kiểm dịch y tế biên giới

Hạn chế du lịch và các hoạt động thương mại mậu dịch đã được chứng minh là không hiệu quả và không cần thiết.