Ngũ vị tử - vị thuốc quý cho bệnh gan
Ngũ vị tử (Schizandra chinensis) nguồn gốc ở miền đông bắc và trung bắc Trung Quốc. Cây này cũng mọc ở miền bắc Việt Nam như Lào Cai, Lai Châu. Tử là hột và tên Ngũ vị do hột có 5 vị mặn, ngọt, đắng, cay, chua. Vị chính là mặn và chua. Ngũ vị tử có trong nhiều sách thuốc Trung Quốc dùng để chữa ho và những bệnh liên quan đến đường hô hấp, bào chế dưới dạng cồn thuốc.
Thành phần hóa học
Có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học của Ngũ vị tử. Trái chứa đường khử và khoảng 10% acid hữu cơ (carboxylic, malic, citric, tartaric). Hột chứa đường khử, alkaloid và ester acid béo. Không có flavon, glycosid hay tanin trong hột hay trái. Khoảng 2% trọng lượng hột gồm lignin với sườn dibenzo-cyclooctan (schizandrin, deoxyschizandrin và những hợp chất liên hệ như schizandrol và schizanderer). Ở một số mẫu, lượng lignin trong trái có thể lên đến 19% trong hột và 10% trong cành. Hơn 30 lignin được nhận diện, gồm gomsisin A, B, C, D, F và G, tigloylglomisin P và angeloylgomisin. Những thành phần khác của cây gồm phytosterol, tinh dầu, sinh tố C và E. Đã có những phương pháp định chuẩn và bào chế dược liệu này.
Dược tính
Bên cạnh tính bồi dưỡng và tái tạo, Ngũ vị tử (Fructus Schisandrae) còn được dùng trong những lĩnh vực khác như bảo vệ gan, tác dụng lên hệ thần kinh, chữa bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, tính thích ứng (adaptogen)…
Đối với gan:
Thành phần lignin trong Ngũ vị tử có tính bảo vệ gan rõ rệt. Hoạt chất chính như Ngũ vị tử C, schisantherin D, deoxygomisin A, gomisin N và gomisin C. Sự hiện diện của một hay 2 nhóm methylen dioxy có vẻ giữ vai trò quan trọng để bảo vệ gan, hay những phân tử lignan chứa 2 đơn vị phenylpropanoid. Nghiên cứu trên động vật về gomisin A cho bằng cớ thuyết phục tính bảo vệ gan, gồm tính bảo vệ chống viêm gan do halothan, độc tính của carbon tetrachlorur, d-galactosamin và dl-ethionin, suy gan do siêu vi và thương tổn tiền ung thư gan. Cơ chế chống ung thư gan của gomisin A có thể do khả năng giúp chuyển hóa acid mật. Gomisin A tăng sinh tế bào gan, tái tạo gan, tăng lưu thông máu huyết và hồi phục chức năng gan ở chuột lớn. Những hiệu quả này do bảo vệ màng huyết tương tế bào gan. Cao cồn Ngũ vị tử làm tăng trọng lượng gan ở chuột lớn và chuột nhắt. Tác dụng này của schizandrin B. Trong một nghiên cứu ở chuột nhắt, thêm Ngũ vị tử vào thức ăn căn bản hàng ngày trong 14 ngày tăng chuyển hóa enzym mutagen benzo(a)pyren (BaP) và aflatoxin B (AFB) và tăng hoạt động của cytochrome P450. Mặc dầu tăng chuyển hóa, cao Ngũ vị tử tăng đột biến của AFB trong ống nghiệm. Tuy nhiên, hóa chất tạo đột biến tương tự ở sinh vật lại giảm độ bám AFB vào DNA. Người ta nhận thấy schizandrin và khoảng nửa tá hợp chất liên hệ có thể ức chế tạm thời hay làm giảm hoạt động ALT gan. Điều này được quan sát ở thú vật trước đó có dùng hepatotoxin.
Theo nghiên cứu của Hikino, Ngũ vị tử chống lại tính làm hại tế bào của tetrachlorocarbon và galactosamin. Tuy nhiên khi dùng galactosamin làm chất độc hại tế bào, tính bảo vệ gan của Ngũ vị tử giảm ở liều cao. Hikino kết luận lignan của Ngũ vị tử cũng độc hại cho gan khi dùng liều cao trong một khoảng thời gian dài nào đó.
Theo Kee Chang Huang trong “The Pharmacology of Chinese Herbs”, hoạt chất gamma-schizandrin có tính bảo vệ gan và giảm hoạt động của gamma-glutamyltransferase. Tổng hợp protein và lượng cytochrom P450 tăng đáng kể. Ngũ vị tử cũng tăng đáng kể mức glutathione gan và hoạt động của glucose-6-phosphat và glutathione reductase ở gan, cũng như giảm phản ứng của mô gan làm giảm GSH do peroxid.
Đối với hệ thần kinh:
Ngũ vị tử là chất kích thích thần kinh, tăng phản xạ đáp ứng và cải thiện mức tỉnh táo. Tại Trung Quốc, Ngũ vị tử được dùng để chữa bệnh tâm thần như trầm cảm, bứt rứt hay mất trí nhớ. Ngũ vị tử kết hợp với những dược thảo khác cải thiện trí nhớ khi thử nghiệm trên động vật. Từ đó có thể ứng dụng để chữa chứng sa sút trí tuệ ở người. Ngũ vị tử kết hợp với Táo gai (Ziziphus spinosa) và Đương quy (Angelica sinensis) tăng sinh tế bào thần kinh và có thể ngăn ngừa tế bào thần kinh suy thoái. Ngũ vị tử chống tính co giật do cafein và tăng tác dụng của strychnin.
Ngũ vị tử làm sáng mắt, giúp nhìn rõ và tăng giác quan xúc giác.
Ngũ vị tử cũng đã được đánh giá ức chế hệ thần kinh trung ương. Trong y học Trung Quốc, Ngũ vị tử dùng làm thuốc an thần để trị mất ngủ. Cơ chế ức chế có thể liên hệ đến thụ thể dopamin. Gomisin A ức chế tác dụng kích thích thần kinh vận động của methamphetamin trên động vật.
Đối với hệ hô hấp:
Ngũ vị tử được dùng để chữa bệnh đường hô hấp như thở hổn hển, khò khè và ho. Gomisin A được chứng minh có tính giảm ho khi thử trên chuột lang.
Đối với hệ tiêu hóa:
Trong ruột non chuột lớn, cao Ngũ vị tử giảm chuyển hóa BaP (benzoapyrene), điều này trái ngược với tác dụng ở gan. Thí nghiệm cho thấy Ngũ vị tử tăng hoạt động của glutathion s-transferase. Trong ruột non, Ngũ vị tử chuyển hóa BaP về phía diols và 3-hydroxybenzo(a)pyrene tách xa BaP-4,5-epoxid và đột biến quinon của BaP. Ngũ vị tử không tăng hoạt động cytochrom P450 trong ruột non. Ngũ vị tử được dùng để chữa tiêu chảy và kiết lỵ. Một báo cáo cho biết không có tác dụng đáng kể về dịch vị dạ dày, pH dạ dày và lượng acid tiết ra, trong khi nghiên cứu khác cho thấy Ngũ vị tử có tính ức chế co thắt dạ dày và loét dạ dày do stress khi tiêm mạch hay cho chuột lớn uống. Chuyển hóa Ngũ vị tử đã được báo cáo. Cây này cũng giúp cơ thể thích nghi với hoàn cảnh như stress. Ngũ vị tử được dùng để cân bằng mức tân dịch, cải thiện khả năng tình dục, chữa ngứa, kích thích co bóp tử cung. Một báo cáo cho thấy tính kháng khuẩn của cao cồn và aceton của trái Ngũ vị tử.
Phần lớn báo cáo cho biết thuốc Ngũ vị tử tăng tồn trữ glycogen và sử dụng glucose, cũng như mức acid lactic. Một số báo cáo cho thấy Ngũ vị tử không có tác dụng lên glucose trong huyết thanh. Ngũ vị tử tăng hấp thu P32 từ ống tiêu hóa, tăng nồng độ P trong cơ quan và củng cố hoạt động của phosphatase.
Đối với hệ tim mạch:
Cao nước và cao cồn Ngũ vị tử có thể tăng sức co bóp cơ tim nhưng ít có tác dụng lên huyết áp.
Tính đối kháng kích hoạt tiểu cầu của 6,7-dehydroschisandrol A (IC50= 2 x 10-6 M). Hoạt động liên hệ lignan không có ester ở C-6, nhóm hydroxy ở C-7 hay nhóm methylen-dioxy và gốc thay thế R-biphenyl (Lee 1999).
Hư hại cơ tim khi cho tái lưu thông chỗ thiếu máu cục bộ được giảm thiểu bằng cách cho dùng trước schisandrin B (0,6/1,2 mmol/kg/ngày x 3) theo liều lượng và kết hợp với ức chế se-glutathion peroxidase và glutathion reductase (Yim 1999).
Độc tính
Ngũ vị tử có khả năng đàn áp hệ thần kinh trung ương. Vì dược liệu này có tác dụng hoạt động enzym gan và dạ dày, Ngũ vị tử có thể can thiệp vào chuyển hóa các chất thuốc khác khi uống chung. Toàn bộ phổ tác dụng trên gan chưa được nghiên cứu sâu rộng và an toàn chưa được nêu rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu không báo cáo phản ứng phụ.
Tóm lại, Ngũ vị tử là thuốc y học cổ truyền. Thành phần lignin trong cây, chịu trách nhiệm bảo vệ gan chưa được báo cáo rõ. Dược liệu có vẻ sẽ cải thiện tình trạng sa sút trí tuệ, cải thiện tỉnh táo, chữa bệnh đường tiêu hóa và ruột và giúp cơ thể thích nghi với stress. Rất ít thông tin về phản ứng phụ.
Ngũ vị tử được dùng làm thuốc trong các trường hợp sau:
Cơ thể hư nhược, ra nhiều mồ hôi (tự ra nhiều mồ hôi hoặc mồ hôi trộm): bá tử nhân 125g, bán hạ khúc 125g, mẫu lệ 63g, nhân sâm 63g, ma hoàng căn 63g, bạch truật 63g, ngũ vị tử 63g, đại táo 30 quả. Đại táo nấu nhừ, loại bỏ hạt, nghiền nát. Các vị khác nghiền chung thành bột mịn, nhào với nước đặc đại táo để làm hoàn to bằng hạt ngô. Có thể làm dưới dạng bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 – 30 viên.
Chứng phế hư, ho hen suyễn: đảng sâm 12g, mạch môn đông 12g, ngũ vị tử 6g, tang phiêu tiêu 12g. Sắc uống.
Người già phổi yếu, thở suyễn: ngũ vị tử 5g, sa sâm bắc 12g, mạch môn đông 10g, ngưu tất 10g. Sắc uống.
Ích thận, cố tinh: tang phiêu tiêu 12g, ngũ vị tử 8g, long cốt 12g, phụ tử 12g. Tất cả làm thành viên hoàn, hoặc sắc uống. Chữa thận dương hư, hoạt tinh.
Chứng tân dịch không đủ, miệng khô, khát nước: đảng sâm 12g, mạch môn đông 12g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.
Di mộng tinh: ngũ vị tử 100g, hồ đào nhân 250g. Ngũ vị tử ngâm nước nửa ngày cho mềm, bóc tách bỏ hạt, đem sao cùng hồ đào, để nguội tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 9g với nước sôi hoặc nước hồ nước cơm.
Viêm gan mạn tính: ngũ vị tử sao khô tán mịn, mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần. Đợt dùng 30 ngày, uống với nước sôi hoặc nước cơm, thêm chút muối đường.
Đơn thuốc này làm thành viên bằng đậu xanh, uống 30 viên với một chút dấm. Tốt với người thận hư, đái trắng đục, đau eo lưng, cứng xương sống.
Một số món ăn – rượu thuốc chữa bệnh có ngũ vị tử:
Rượu ngũ vị tử: ngũ vị tử 40g, rượu 200ml. Ngâm 2 lần, mỗi lần 100ml trong 10 ngày, lọc riêng, sau loại bỏ bã thuốc, trộn hai thứ rượu thuốc với nhau, có thể thêm ít nước cất cho loãng, mỗi lần uống 2,5ml, ngày 3 lần. Dùng cho các bệnh nhân suy nhược thần kinh.
Rượu nhân sâm, ngũ vị, câu kỷ: nhân sâm 10 – 20g, ngũ vị tử 30g, câu kỷ tử 30g, rượu 500ml. Ngâm 7 ngày. Uống trước khi đi ngủ 15 – 20ml. Dùng cho các trường hợp suy nhược thần kinh, hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ.
Tim lợn hầm ngũ vị tử: tim lợn 1 cái, ngũ vị tử 9g. Rạch tim lợn, rửa sạch, cho ngũ vị tử vào trong, khâu kín, hấp cách thủy. Dùng cho các bệnh nhân hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, thở gấp, vã mồ hôi, kích ứng, khát nước.
Kiêng kỵ: Những bênh nhân bên ngoài có biểu tà, trong có thực nhiệt không được dùng.
DS. LÊ VĂN NHÂN - TRẦN VIỆT HƯNG