1. Trễ hẹn nhắc lại HPV hiệu quả có giảm không?

Hiện tại vắc xin không có quy đinh giới hạn cuối cùng của việc trễ mũi, do vậy trường hợp trễ hẹn tiêm nhắc lại vẫn tiêm được mũi tiếp theo. Việc tiêm trễ mũi này không ảnh hưởng hiệu quả vắc xin, tuy nhiên cần tiêm đủ phác đồ (3 mũi) để có được hiệu quả tốt nhất.

2. Độ tuổi phù hợp tiêm vắc xin HPV

          Hiện tại vắc xin HPV tại Việt Nam chỉ được tiêm trong độ tuổi 9 - 26 tuổi, ngoài độ tuổi này chưa có nghiên cứu rõ ràng nên không đảm bảo tính an toàn và chưa được phép chỉ định. Do vậy, trường hợp tuổi > 26 sẽ không tiêm được vắc xin này và có thể đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung (Pap smear, Thinprep, E-prep,…), đây cũng là một cách để dự phòng sớm ung thư cổ tử cung.

3. Tiêm HPV (Gardasil) sau khi đã kết hôn có ảnh hưởng đến hiệu quả kháng thể không?         

Quy trình tiêm của vắc xin Gardasil bao gồm 3 mũi, hoàn thành trong vòng 6 tháng. Nếu trong thời gian sau khi kết hôn, nếu chưa có ý định có em bé thì nên tiêm đủ 3 mũi để đảm bảo đạt được hiệu quả tốt nhất; trường hợp nếu chỉ dừng lại ở mũi 1 hoặc 2 thì hiệu quả sẽ chưa thể đảm bảo, mặt khác việc tiêm vắc xin này sau khi đã kết hôn không ảnh hưởng gì đến hiệu giá kháng thể nên không cần phải quá lo lắng. Cần chú ý trong quá trình tiêm vắc xin thì nên phòng thai, để tránh ảnh hưởng đến em bé.

4. Em đã có quan hệ rồi có tiêm được HPV nữa hay không?

Vắc xin này quy định độ tuổi từ 9-26 tuổi, nếu bạn nằm trong độ tuổi này thì có thể tiêm được kể cả đã có quan hệ rồi. Bạn tới các trung tâm tiêm chủng, vào tư vấn tiêm, không cần phải xét nghiệm trước.

5. Em tiêm mũi thứ 2 của HPV khi đã 27 tuổi. Việc này có bị mất tác dụng của thuốc hay không?

Tại Việt Nam hãng vắc xin chưa có nghiên cứu cho đối tượng trên 26 tuổi, tuy nhiên trên thế giới vắc xin ung thư cổ tử cung đã được chứng minh tính an toàn và hiệu quả khi tiêm cho phụ nữ trên 26 tuổi. Do vậy, bạn chỉ cần đảm bảo mũi đầu tiên được tiêm trong độ tuổi quy định, các mũi còn lại cứ tiếp tục tiêm theo phác đồ.

6. Vợ tôi đang tiêm viêm gan B mũi 2, giờ vợ tôi tiêm HPV có được không?

Vắc xin ung thư cổ tử cung hiện tại được tiêm cho nữ trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, nếu vợ bạn nằm trong độ tuổi trên thì có thể tiêm được. Mũi này có thể tiêm cùng lần hoặc cách tuần so với mũi vắc xin viêm gan B trước đó.

7. Trước khi tiêm HPV em có phải làm xét nghiệm gì không?

Vắc xin ung thư cổ tử cung được tiêm cho nữ trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi mà không cần xét nghiệm trước, do vậy trường hợp của bạn vẫn tiêm được. 

8. Độ tuổi nào, đối tượng nào được tiêm HPV?

Hiện tại có 2 loại vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung như sau:

- Cervarix của Bỉ tiêm cho nữ trong độ tuổi từ 10 đến 25 tuổi, phác đồ tiêm gồm 3 mũi trong đó 2 mũi đầu cách nhau 1 tháng, mũi thứ 2 và thứ 3 cách nhau 5 tháng. 

- Gardasil của Mỹ tiêm cho nữ trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, phác đồ tiêm gồm 3 mũi trong đó 2 mũi đầu cách nhau 2 tháng, mũi thứ 2 và thứ 3 cách nhau 4 tháng. 

Hiện tại các đối tượng ngoài độ tuổi trên và nam giới không nằm trong chỉ định của vắc xin ung thư cổ tử cung tại Việt Nam.

9. Nếu không tiêm đúng lịch có ảnh hưởng gì không? 

Tốt nhất thực hiện đúng lịch hẹn, nếu bận có thể tiêm mũi thứ hai sau mũi thứ nhất > 1 tháng (đối với Cervarix) và > 2 tháng (đối với Gardasil). Mũi thứ 3 cách mũi thứ nhất > 6 tháng. Tuy nhiên nên hoàn tất 3 mũi tiêm trong 2 năm.

10. Khi mang thai có tiêm vaccine HPV được không?    

Không tiêm vaccine HPV khi mang thai, nếu đang tiêm vaccine HPV mà có thai thì nên ngưng lại và chờ sau sinh sẽ tiêm những mũi kế tiếp.    

Nếu lỡ tiêm vaccine HPV và phát hiện mang thai thì cũng không có khuyến cáo phải bỏ thai.

11. Có cần làm xét nghiệm Pap smear và HPV trước khi tiêm vaccine HPV?

Không cần làm xét nghiệm HPV và pap smear trước khi quyết định tiêm vaccine HPV.

12. Tiêm vaccine HPV có tác dụng phụ gì?    

Vaccine HPV khá an toàn, đã được nghiên cứu và vẫn đang tiếp tục theo dõi. Tác dụng phụ có thể có:  

- Sưng nóng, đỏ đau nơi tiêm    

- Sốt nhẹ  

Những tác dụng phụ này thường nhẹ và thoáng qua. Những tác dụng phụ hiếm gặp khác như nhức đầu, ngất xỉu, viêm tủy cắt ngang (rất hiếm).

13. Sau tiêm vaccine có cần làm xét nghiệm tế bào CTC (Pap smear) và HPV tầm soát ung thư cổ tử cung?

Tiêm vaccine HPV không thay thế được việc tầm soát UT CTC bằng HPV và Pap smear. Để bảo vệ toàn diện ung thư cổ tử cung cần kết hợp tiêm vaccine HPV và tầm soát định kỳ bằng HPV test và xét nghiệm tế bào CTC (Pap smear). Ngoài ra việc khám phụ khoa định kỳ còn có thể phát hiện các bệnh lý phụ khoa khác (u xơ tử cung, u buồng trứng, viêm nhiễm đường sinh dục)...

14. Sau tiêm 3 mũi vaccine HPV có cần tiêm nhắc không?    

Hiệu quả bảo vệ của vaccine HPV kéo dài sau khi hoàn tất 3 mũi tiêm. Không có khuyến cáo cần thiết phải tiêm nhắc lại sau 3 mũi tiêm này.

15. Lịch tiêm vaccine như thế nào?

Tiêm vaccine HPV 3 mũi đủ bảo vệ và lịch tiêm sẽ là:  
- Cervarix: 0, 1, 6 tháng    
- Gardasil: 0, 2, 6 tháng