Gan đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Gan phải hoạt động một cách cật lực để chuyển hóa, tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể, phải lọc, khử độc và bài tiết các độc chất ra khỏi cơ thể, phải thường xuyên chống chọi với các tác nhân gây hại cho cơ thể. Chính vì vậy, gan rất dễ bị tổn thương và như thế sẽ có rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho tăng men gan.

Men gan là gì?

Men gan là những enzym xúc tác cho các phản ứng sinh hóa bên trong tế bào gan. Khi tế bào gan bị hủy hoại và vỡ ra, các men sẽ được phóng thích ra ngoài máu làm tăng men gan. Như vậy, khi men gan cao có nghĩa tế bào gan đang bị tổn thương và hủy hoại.. Trong tế bào gan có sự định khu khá phong phú các men nhưng có men chỉ có trong bào tương, có men chỉ có trong ty thể. Nếu tế bào bị tổn thương nhẹ thì làm tăng men có trong bào tương; còn nếu tổn thương nặng thì sẽ làm tăng cả men có trong ty thể. Sự tăng men trong ty thể phản ánh mức độ tổn thương tế bào trầm trọng hơn sự tăng men trong bào tương.

Men transaminase là những men xúc tác cho chuyển hóa protein  và glucid. Trong số các transaminase có trong huyết thanh thì có 2 men thường được quan tâm nhiều nhất là SGOT (hay còn gọi AST) và SGPT (hay còn gọi ALT) để đánh giá tình trạng gan. AST có nhiều trong ty thể, còn ALT có nhiều trong bào tương của tế bào gan. Ngoài ra, 2 men này còn được phân bố ở cơ, xương, tim, não và thận.

Men gan tăng cao?

Trong đánh giá chức năng gan, việc định lượng AST và ALT có vai trò đặc biệt quan trọng. Sự bình thường hóa các giá trị của 2 men này là quan trọng để kiểm tra hiệu quả của quá trình điều trị. Trong lâm sàng, AST và ALT được sử dụng để đánh giá mức độ hoại tử của nhu mô gan và theo dõi tiến triển của bệnh lý gan.

Nồng độ men tăng cao thường tỉ lệ thuận mới mức độ viêm nhiễm gây tổn thương nhu mô gan. Tuy nhiên, để đánh giá sâu chức năng gan thì cần có nhiều giá trị khác bổ sung bởi có một số trường hợp, viêm gan rất nặng nhưng men gan tăng rất ít và ngược lại. Trong một số trường hợp khác, việc gia tăng nồng độ men AST – ALT lại không liên quan gì đến gan. Tuy vậy, một cách tổng quát nhất thì sự tăng cao men AST và ALT là những dấu hiệu hữu ích trong chẩn đoán và theo dõi tiến triển của bệnh.

Nguyên nhân thường gặp nhất làm tăng men gan ở nước ta là bệnh viêm gan do virus như viêm gan virus A, B, C… vì Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan virus khá cao. Tiếp đến là viêm gan do uống nhiều rượu bia vì hiện nay tổng sản lượng bia rượu tiêu thụ hàng năm ở nước ta đang đứng vào hạng nhất nhì trong khu vực châu Á. Rượu bia là độc chất trực tiếp đối với gan: nếu uống ít và không thường xuyên, gan vẫn đủ sức để khử các độc chất do rượu sinh ra nhưng nếu uống nhiều > 60g cồn/ngày và thường xuyên thì độc chất của rượu không được hóa giải sẽ gây tác hại cho gan. Tiếp theo là bệnh gan nhiễm mỡ đang có chiều hướng gia tăng do lối sống và điều kiện dinh dưỡng có nhiều thay đổi. Ngoài ra, chúng ta còn phải cảnh giác đối với các trường hợp lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt và ngay cả các loại thực phẩm chức năng cũng như các thuốc có nguồn gốc thảo dược được xem là vô hại cũng có khi ảnh hưởng đến gan và gây viêm gan do thuốc. Một số độc chất khác như các thuốc trừ sâu, một số loại nấm độc… cũng có thể làm tăng men gan. Còn lại là các nguyên nhân khác như suy tim, thiếu máu vùng gan, các bệnh rối loạn về chuyển hóa các chất trong cơ thể cũng là những trường hợp gây tăng men gan…

Cách phòng tránh men gan cao:

Để phòng tránh các bệnh gây tăng men gan, chúng ta cần đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và phát hiện sớm các trường hợp tăng men gan nhằm chẩn đoán và điều trị đúng cách để hạn chế tình trạng viêm gan có thể dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan sau này. Đối với các bệnh viêm gan virus, chúng ta có thể phòng ngừa được viêm gan virus A và B bằng cách tiêm vacxin, nhất là cho trẻ nhỏ. Nên hạn chế rượu bia, mặc dù phải giao tiếp trong công việc nhưng chúng cũng phải ý thức tự mình hạn chế, không nên uống quá 40g cồn (tương đương 4 lon bia/ngày) và càng không nên uống thường xuyên mỗi ngày. Hiện nay, có một số thảo dược hoặc các thuốc bảo vệ gan trong trường hợp uống nhiều rượu bia nhưng không nên lạm dụng. Một điều lưu ý là khi uống rượu bia nhiều không nên uống chung với paracetamol để chống đau đầu vì có thể gây tăng độc tính đối với gan. Cần ăn uống chừng mực, điều độ, không ăn quá nhiều thức ăn ngọt và dầu mỡ để giảm béo phì và tình trạng gan nhiễm mỡ. Không nên lạm dụng thuốc nhất là các loại kháng sinh, giảm đau kháng viêm và cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc ngay cả các loại thực phẩm chức năng và thảo dược. Nếu phát hiện trong gia đình có người bị tăng men gan, các thành viên còn lại nên đi khám sức khỏe để tầm soát sớm bệnh, nhiều khi phát hiện được các bệnh rối loạn chuyển hóa do di truyền gây tăng men gan.

Bs Tuấn Anh