CEA là tên viết tắt của kháng nguyên carcinoembryonic. CEA có thể tìm thấy trong nhiều tế bào khác nhau của cơ thể, nhưng thường liên kết với các khối u nhất định và sự phát triển của thai nhi.

Ý nghĩa xét nghiệm CEA

1. Giá trị trong chẩn đoán, sàng lọc bệnh:

+ CEA có thể tăng trong các trường hợp bị ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tụy tạng, nhiễm trùng phổi, hút thuốc lá,… đặc biệt là ung thư đại tràng.
+ CEA cũng có thể tăng khi có khối u lành tính và ác tính ở đường tiêu hoá.

2. Giá trị đánh giá hiệu quả điều trị: trong quá trình điều trị nếu:
+ Nồng độ CEA giảm, khả năng biện pháp điều trị có hiệu quả;
+ Trường hợp nồng độ CEA tăng, khả năng đáp ứng điều trị kém nên cần xem xét tìm phương pháp điều trị khác. Ví dụ: bệnh nhân có CEA tăng, sau phẫu thuật giảm hoặc trở về bình thường, điều này nói lên khối u đã được cắt bỏ. Trái lại, CEA vẫn tiếp tục tăng cao sau phẫu thuật nói lên ung thư còn tồn dư.
Có giá trị theo dõi bệnh: nồng độ CEA tăng, khả năng bệnh tái phát hoặc có di căn.
Giá trị tiên lượng: nồng độ CEA trước mổ cao là một yếu tố dự đoán cho một tiên lượng xấu đối với bệnh nhân.

 

Ung thư đại trực tràng
        Ung thư đại - trực tràng là loại ung thư đứng hàng thứ 5 trong số các loại ung thư thường gặp tại Việt Nam.
        Để chẩn đoán bệnh, ngoài việc dựa vào các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân,… còn cần dựa vào xét nghiệm máu CEA.
        Xét nghiệm CEA có giá trị tăng ít, dưới 10 lần: thường gặp trong viêm loét hoặc polyp đại tràng, bệnh viêm ruột, dạ dày, viêm tụy,… Vì vậy, bệnh nhân nên nội soi đại tràng hoặc làm lại xét nghiệm CEA sau 1-2 tháng.