Marburg, sốt xuất huyết kịch độc
Đợt bùng phát mới nhất của virus Marburg ở vùng Ashanti phía Nam Ghana hiện đang chiếm hết tin tức về dịch bệnh mới nổi trên toàn cầu. WHO cho biết virus Marburg là một mầm bệnh vô cùng nguy hiểm. Nó được xếp vào "Nhóm nguy cơ số 4", là nhóm cao nhất trong bảng xếp hạng các mầm bệnh, gây ra nguy cơ cao cho cá nhân và cả cộng đồng.
1. Marburg: Một chủng virus kịch độc
Marburg là một virus gây ra bệnh sốt xuất huyết, nhưng nó thuộc vào họ Filoviridae chứ không phải họ Flaviviridae (như virus sốt xuất huyết thông thường lây truyền qua muỗi Dengue).
Flaviviridae là một họ virus rất lớn bao gồm từ virus Dengue, virus viêm não Nhật Bản, virus Tây sông Nile, virus sốt vàng da và virus Zika. Tuy nhiên, phần lớn các virus được cho là nguy hiểm nhất nhóm này, như Dengue và Zika chỉ thuộc vào "Nhóm nguy cơ số 2" theo phân loại của WHO, nghĩa là gây bệnh trên người nhưng hiếm khi nghiêm trọng và có biện pháp điều trị, phòng ngừa.
Còn họ Filoviridae mà virus Marburg thuộc về thì là một họ virus rất nhỏ, nhưng đều cực độc. Chúng bao gồm cả 6 chủng Ebola được biết đến trước đây và virus Marburg được xếp vào "Nhóm nguy cơ số 4", cao nhất theo phân loại của WHO, là các virus gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao (lên tới 88%), chưa có thuốc chữa và vắc-xin phòng ngừa.
Vì độc tính nguy hiểm của nó, nhiều quốc gia trước đây cũng có chương trình nghiên cứu Marburg như một vũ khí sinh học. Điều này khiến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa virus Marburg vào nhóm "Tác nhân Khủng bố Sinh học loại A".
2. Dịch tễ bệnh Marburg
Bệnh do virus Marburg được công nhận vào năm 1967, khi các đợt bùng phát xảy ra đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Frankfurt của Đức và thủ đô Belgrade của Serbia. Các ca nhiễm bắt nguồn từ những con khỉ xanh Châu Phi (Cercopithecus aethiops) được nhập khẩu từ Uganda để nghiên cứu và sản xuất vaccine bại liệt. Chính những con khỉ này đã gây ra đợt bùng phát virus đầu tiên ở thành phố Marburg, Đức năm 1967, sau khi các nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với chúng. Sau đó, các đợt bùng phát lẻ tẻ được báo cáo tại Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda.
Năm 2008, 02 ca nhiễm độc lập (01 Hà Lan, 01 Mỹ) đầu tiên được ghi nhận ở các du khách đến thăm hang động nổi tiếng có bầy dơi ăn quả Rousettus ở công viên quốc gia thuộc Uganda.
Trong tự nhiên, virus Marburg lây nhiễm động vật linh trưởng thường chỉ lưu hành ở khu vực Tây Phi, đặc biệt là ở Uganda (đất nước đã có 5 đợt bùng phát virus này từ năm 2007 đến 2017).
Năm |
Quốc gia và vùng lãnh thổ |
Ca bệnh Marburg |
Tử vong |
Tỷ lệ tử vong |
2014 |
Uganda |
1 |
1 |
100% |
2012 |
Uganda |
15 |
4 |
27% |
2008 |
Netherland (ex-Uganda) |
1 |
1 |
100% |
2008 |
United States of America (ex-Uganda) |
1 |
0 |
0% |
2007 |
Uganda |
4 |
2 |
50% |
2005 |
Angola |
374 |
329 |
88% |
1998-2000 |
Côngo |
154 |
128 |
83% |
1987 |
Kenya |
1 |
1 |
100% |
1980 |
Kenya |
2 |
1 |
50% |
1975 |
Nam Phi |
3 |
1 |
33% |
1967 |
Yugoslavia |
2 |
0 |
0% |
1967 |
Đức |
29 |
7 |
24% |
Đợt bùng phát mới nhất của virus này được WHO ghi nhận ngày 17/7/2022 tại vùng Ashanti phía Nam Ghana là lần đầu tiên Marburg được tìm thấy ở quốc gia này và là lần thứ hai nó xuất hiện trong khu vực. Virus đã lây cho 2 bệnh nhân và khiến cả 2 tử vong nhanh chóng. Hiện 90 người có tiếp xúc với 2 bệnh nhân này vẫn đang được theo dõi. WHO cho biết họ cũng đang liên hệ với các quốc gia lân cận có nguy cơ cao để sẵn sang đưa họ vào tình trạng báo động nếu dịch Marburg bùng phát.
3. Triệu chứng sốt xuất huyết Marburg
Theo WHO, sốt xuất huyết do virus Marburg gây ra rất khó để phân biệt với sốt xuất huyết do virus khác. Tuy nhiên, nó vẫn có một số triệu chứng nổi bật.
Thời kỳ ủ bệnh (từ lúc nhiễm virus đến khi bắt đầu có triệu chứng) dao động trong khoảng 2-21 ngày. Sau đó, cơn sốt xuất huyết Marburg sẽ ập đến đột ngột, bệnh nhân sốt cao, đau đầu dữ dội.
Cơ bắp toàn bộ cơ thể cũng sẽ trở nên đau nhức. Bệnh nhân có thể tiêu chảy nhiều nước, đau bụng, bị chuột rút và buồn nôn, nôn từ ngày thứ ba trở đi. Đặc biệt, triệu chứng tiêu chảy có thể kéo dài suốt 1 tuần.
"Vẻ ngoài của bệnh nhân trong giai đoạn này được mô tả có những nét giống với thây ma, đôi mắt hoắm sâu, khuôn mặt vô cảm và cực kỳ thờ ơ", WHO viết. Trong một số đợt bùng phát, bệnh nhân nhiễm virus Marburg gây ra triệu chứng phát ban và ngứa.
Từ ngày thứ 5 cho tới thứ 7 trở đi, nhiều bệnh nhân sẽ có biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng. Máu tươi sẽ xuất hiện trong chất nôn, phân, dịch mũi, lợi và thậm chí âm đạo. Nếu hệ thần kinh bị ảnh hưởng, người nhiễm virus sẽ bắt đầu lú lẫn, cáu kỉnh hoặc thậm chí có hành động hung hăng bất thường.
Khoảng thời gian nguy hiểm nhất là trong khoảng 8-9 ngày sau khi triệu chứng đầu tiên khởi phát. Đây là lúc bệnh nhân đã bị sốc và mất máu nghiêm trọng.
Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng virus này được cấp phép cho bệnh sốt xuất huyết Marburg. Bệnh nhân chỉ được chăm sóc hỗ trợ, bằng cách bù nước bằng đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch, điều trị các triệu chứng nhằm cải thiện khả năng tự mình chống đỡ và sống sót.
Tỷ lệ tử vong trung bình của bệnh sốt xuất huyết Marburg là 50%, dao động trong khoảng 24-88% tùy việc được phát hiện và điều trị sớm hay không. Trong so sánh, tỷ lệ tử vong của sốt xuất huyết do virus Dengue hiện nay chỉ là 1%.
4. Cách chẩn đoán
Nếu không thực hiện xét nghiệm, rất khó để phân biệt Marburg với bệnh sốt rét, sốt thương hàn, viêm màng não, Ebola và các dạng xuất huyết do virus khác.
5. Bạn có thể nhiễm virus Marburg từ đâu?
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết Marburg bản chất là một chủng zoonosis, nghĩa là virus lây từ động vật sang người. Vật chủ tự nhiên của nó là Rousettus aegyptiacus, một loài dơi ăn quả. Đây không phải mầm bệnh lây lan qua không khí. Virus lây nhiễm giữa người với người qua tiếp xúc gần gũi, thông qua dịch thể như máu, nước bọt hoặc nước tiểu.
Vì vậy, WHO khuyến cáo nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Marburg phải thực hành các biện pháp phòng ngừa cẩn thận.
Các mẫu máu thu thập từ bệnh nhân được coi là một nguy cơ sinh học cực kỳ nguy hiểm. Chúng phải được đóng gói tới 3 lớp nếu phải vận chuyển tới phòng thí nghiệm và các thí nghiệm phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp cao nhất.
Người nhà chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Marburg cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nghi lễ chôn cất bệnh nhân tử vong, liên quan đến việc tiếp xúc với thi thể cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. WHO khuyến cáo chôn cất bệnh nhân nhiễm Marburg "nhanh chóng, an toàn và trang nghiêm", sau đó tất cả những người tiếp xúc đều phải theo dõi sức khỏe trong 21 ngày.
Cuối cùng là nguy cơ lây truyền qua đường tình dục. WHO khuyến cao nam giới sau khi khỏi sốt xuất huyết Marburg vẫn phải thực hành quan hệ tình dục an toàn trong 12 tháng kể từ khi có triệu chứng nhiễm virus, hoặc cho đến khi tinh dịch của họ có xét nghiệm 2 lần âm tính với virus Marburg. Đó là bởi virus có thể tồn tại trong tinh hoàn của họ.