Ung thư cổ tử cung là một trong những khối u ác tính, thường gặp ở phụ nữ và là bệnh ung thư có thể tìm ra nguyên nhân. Ung thư cổ tử cung đứng thứ hai sau ung thư vú và HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung.

 

1. HPV là gì? 

Là một loại vi rút gây u nhú ở người. HPV (Human Papilomavirus) là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Một số chủng của vi rút HPV có thể gây ra mụn, có ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Một số chủng có thể gây ra tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, hậu môn và các bộ phận sinh dục khác.

 

2. Có bao nhiêu chủng HPV?

Có hơn 100 chủng vi rút HPV, hầu hết các chủng đều vô hại, không có dấu hiệu hoặc triệu chứng và sẽ tự khỏi. Có hơn 40 chủng vi rút HPV lây truyền qua đường tình dục, có ảnh hưởng đến các bộ phận sinh dục và hậu môn.


 

3. HPV lây truyền qua đường nào? 

HPV lây truyền qua tiếp xúc da với da, tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm. Vi rút này còn có thể lây qua đường mẹ con, đồ lót, găng phẫu thuật… và những phụ nữ quan hệ với nhiều người có nguy cơ lớn hơn. Đặc biệt, phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục không được bảo vệ trước tuổi 16.

Nói cách khác, nhiễm HPV qua đường sinh hoạt tình dục đã gây ra những biến đổi ở mức độ tế bào, thâm nhập vào bên trong tế bào cổ tử cung, phát triển và làm biến đổi gen của tế bào. Các tế bào bị đột biến gen sẽ phát triển thành các tế bào ác tính. Quá trình này phải mất nhiều năm, có thể từ 10 đến 15 năm. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tiền lâm sàng, nhưng khi là ung thư thì khối u sẽ lan rộng nhanh chóng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được nên cần hiểu rõ cáctriệu chứng của ung thư cổ tử cung định kỳ tầm soát có thể phát hiện sớm và điều trị sớm.
 

4. Những triệu chứng của ung thư cổ tử cung 

- Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu hầu như không có các triệu chứng. Những dấu hiệu dưới đây cho thấy bệnh ung thư cổ tử cung đã ở giai đoạn muộn:

+ Chảy máu âm đạo;

+ Đau lưng;

+ Đi tiểu bị đau hoặc khó khăn và nước tiểu đục;

+ Táo bón mãn tính và cảm giác về sự hiện diện của phân mặc dù ruột không còn gì;

+ Đau vừa phải trong quá trình quan hệ tình dục và tiết dịch âm đạo;

+ Một chân bị sưng;

+ Rò rỉ nước tiểu hoặc chất cặn từ âm đạo.

-  Ung thư biểu mô tại chỗ (CIN) là một cụm các tế bào tiền ung thư ác tính vẫn còn nằm “tại chỗ” hoặc “tại vị trí” và vẫn chưa di chuyển khỏi vị trí ban đầu và lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
 

5. Các giai đoạn tiền ung thư 

Giai đoạn tiền ung thư thường được chia làm 3 giai đoạn sau:

CIN I: loạn sản nhẹ, các tế bào bất thường giới hạn nằm ở 1/3 ngoài lớp tế bào cổ tử cung (biểu mô). Sự phân loại này bao gồm các tế bào đã bị biến đổi do bị nhiễm vi rút u nhú ở người HPV, hay gặp ở phụ nữ tuổi từ 25 đến 35 tuổi.

CIN II: loạn sản mức độ vừa, các tế bào bất thường đã chiếm một nửa lớp tế bào cổ tử cung (biểu mô).

CIN III: loạn sản nặng, toàn bộ lớp tế bào biểu mô là tế bào loạn sản, nhưng những tế bào này chưa xuyên qua lớp tế bào đáy để xâm nhập vào các tổ chức dưới biểu mô của cổ tử cung, thường gặp nhiều ở phụ nữ từ 30 đến 40 tuổi. Ở giai đoạn này, nếu không điều trị các tế bào loạn sản nặng sẽ xuyên qua lớp tế bào đáy của cổ tử cung và lan sang các cơ quan, tổ chức khác của cổ tử cung

 

6. Chỉ định xét nghiệm HPV-DNA

- Sàng lọc ở những bệnh nhân có kết quả ASCUS, xác định sự cần thiết của soi cổ tử cung và xác định có nhiễm hay không HPV type 16, 18.

- Sử dụng cùng PAP để sàng lọc cho những phụ nữ >= 30 tuổi để phát hiện phụ nữ có nguy cơ cao ung thư cổ tử cung, từ đó theo dõi sát sao và phù hợp hơn.

- Sử dụng như 1 xét nghiệm sàng lọc ngay từ đầu.
 

Vũ Thị Thùy Chi