Nếu một người phụ nữ bị nhiễm HIV, thì hầu như tất cả họ đều hoang mang khi lỡ phát hiện có thai hoặc có ý định mang thai. Điều lo ngại nhất có lẽ là khả năng lây truyền HIV cho bé. May mắn thay, việc sử dụng một số loại thuốc điều trị HIV trong thai kì có thể làm giảm đáng kể nguy cơ truyền HIV chu sinh dưới 2%. Bài viết này sẽ mang lại cái nhìn toàn diện hơn về HIV và thai kì.

     1. Chăm sóc trước khi mang thai

     Phụ nữ bị nhiễm HIV nên báo với bác sĩ sản khoa trước khi có ý định mang thai. Hầu hết các loại thuốc ARV đều an toàn cho HIV và thai kì. Do đó, hầu như không cần phải đổi thuốc khi mang thai. Nhưng vẫn cần phải thảo luận trước khi mang thai. Khi nồng độ virus thấp đến mức không phát hiện thấy trong máu thì lúc này nguy cơ truyền HIV sang con thấp hơn nhiều so với những phụ nữ phát hiện virus trong máu. Mang thai dường như không làm xấu đi HIV hoặc làm tăng nguy cơ tử vong do HIV.

     Hiện các chứng cứ vẫn chưa rõ ràng thuốc điều trị HIV hoặc nhiễm HIV có làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ như sinh non, nhẹ cân và thai chết lưu hay không. Tuy nhiên, rất rõ ràng rằng một số loại thuốc điều trị HIV có thể làm giảm đáng kể nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ mẹ. Đó là lý do tại sao các hướng dẫn điều trị HIV khuyến nghị mạnh mẽ kết hợp các loại thuốc để ngăn ngừa lây truyền HIV sang trẻ.

     2.  Chăm sóc cho bệnh nhân HIV và thai kì của họ

     2.1. Đánh giá ban đầu HIV và thai kì 

     Sau khi xác nhận có thai, bạn sẽ được xét nghiệm máu để xác định tải lượng virus HIV trong máu. Thêm vào đó là đánh giá hệ thống miễn dịch (ví dụ: số lượng tế bào T CD4). Có thể xét nghiệm thêm xem bạn có mang dạng đột biến của virus HIV hay không.

     2.2. Dùng thuốc cho bệnh nhân HIV và thai kì của họ

     Như đã nói ở trên, nêu trước đó bạn đang dùng thuốc thì vẫn tiếp tục duy trì. Nếu chưa thì nên cân nhắc sử dụng sớm để giảm nguy cơ lây lan qua cho bé. Một số người bắt đầu dùng thuốc sau 3 tháng vì tác dụng phụ của thuốc làm tăng triệu chứng nghén. Tuy nhiên dù là tình huống nào bạn cũng cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.

    Zidovudine được khuyên dùng cho một số phụ nữ trước khi sinh và cho trẻ uống trong 4 – 6 tuần sau khi sinh. Tuân thủ thuốc trong khi mang thai cực kỳ quan trọng. Dùng thuốc chính xác theo quy định trong thai kỳ để giảm nguy cơ phát triển kháng thuốc. Hơn nữa, uống thuốc đúng giờ có thể làm giảm nguy cơ lây truyền HIV sang em bé.

     3. Chuyển dạ và sinh nở

     3.1. Sử dụng thuốc trong khi chuyển dạ cho bệnh nhân HIV và thai kì 

    Nếu người mẹ có lượng HIV từ mức trung bình đến cao. Thuốc zidovudine được truyền qua tĩnh mạch trong quá trình chuyển dạ. Trong những trường hợp này, zidovudine giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV. Phụ nữ đang dùng thuốc điều trị HIV kết hợp nên tiếp tục uống thuốc đúng giờ trong quá trình chuyển dạ hoặc trước khi sinh mổ. Điều này mang lại sự bảo vệ tối đa cho mẹ và trẻ sơ sinh. Giảm thiểu nguy cơ người mẹ có thể bị kháng thuốc do bỏ lỡ một liều thuốc.

     3.2. Lựa chọn phương pháp sinh nở

     Lựa chọn cách an toàn nhất để phụ nữ nhiễm HIV sinh con (tức là bằng cách sinh thường bằng âm đạo hoặc sinh mổ) sẽ tùy thuộc vào tải lượng virus HIV của cô ấy trong thai kỳ. Nói chung, việc sinh thường bằng đường âm đạo được ưu tiên vì sự an toàn của cả mẹ và bé nếu nguy cơ lây truyền HIV thấp (khi tải lượng virus HIV của mẹ thấp). Đối với những phụ nữ có tải lượng virus cao trong máu hoặc những người rất lo lắng về việc trẻ sơ sinh tiếp xúc với máu hoặc dịch âm đạo thì nên sinh mổ.

     3.3. Tải lượng vi rút < 1000 copies / ml

     Phụ nữ có tải lượng vi rút HIV <1000 copies / ml khi được đánh giá trong vòng 4 – 6 tuần trước sinh có thể chọn sinh thường. Trong tình huống này, nguy cơ truyền HIV cho trẻ trong khi sinh thường là rất thấp. Các nghiên cứu vẫn không rõ ràng về việc sinh mổ sẽ làm giảm nguy cơ này thêm nữa. Nên thảo luận về những rủi ro và lợi ích của việc sinh mổ so với sinh thường với bác sĩ.

     3.4. Tải lượng virus ≥ 1000 copies / ml

     Phụ nữ đã sử dụng thuốc điều trị HIV và thai kì trong suốt thai kỳ nhưng tải lượng virus trên 1000 copies/ ml. Thì khi thai 34 – 36 tuần thường được khuyên nên sinh mổ. Trong tình huống này, sinh mổ thường được lên kế hoạch ở tuần 38 của thai kỳ.

    4. Chăm sóc sau sinh

     4 .1. Chăm sóc cho mẹ

     Sau sinh, việc chăm sóc cho mẹ nhiễm HIV cũng tương tự như chăm sóc cho các mẹ khác. Chỉ cần cẩn trọng trong lau rửa một một số vết thương và sản dịch. Đối với mẹ có lượng CD4 thấp, lại càng nên cẩn thận, để tránh nhiễm trùng cho mẹ. Vì những mẹ có lượng CD4 thấp có hệ miễn dịch yến hơn nên càng phải cẩn thân hơn. Việc tiếp tục dùng thuốc hay không sẽ do bác sĩ điều trị HIV quyết định. Dựa trên những lợi ích và nguy cơ của dùng thuốc trong giai đoạn này bác sĩ sẽ lựa chọn.

     4.2. Nuôi con bằng sữa mẹ

     Phụ nữ nhiễm HIV cho con bú có thể truyền HIV cho trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu trên 600 cặp mẹ con từ Malawi cho thấy nguy cơ truyền HIV cho trẻ qua sữa mẹ là 7% đối với trẻ bú mẹ trong một năm và 10% đối với trẻ bú mẹ đến hai năm.

     Theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì cứ 100 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV thì sẽ có khoảng 10 đứa trẻ sinh ra bị lây truyền HIV trong giai đoạn bú sữa mẹ. Trong đó, sẽ có khoảng 20% trẻ bị nhiễm khi bú mẹ hoàn toàn. Nếu được nuôi kết hợp sữa mẹ và sữa công thức tỷ lệ lây nhiễm là khoảng 25 – 35%. Đối với những trẻ được bú mẹ tới 24 tháng thì tỷ lệ lây nhiễm HIV là khoảng 30 – 45%.

     Ở các nước đã phát triển sữa công thức cho trẻ sơ sinh luôn có sẵn. Đây được coi là lựa chọn thay thế an toàn cho con bú. Do đó, Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ ở các quốc gia phát triển bị nhiễm HIV không nên cho con bú, ngay cả khi người phụ nữ đang dùng thuốc điều trị HIV. Mặc dù nguy cơ lây truyền HIV qua sữa mẹ có thể được hạ thấp bằng thuốc HIV. Nhưng HIV vẫn có thể lây truyền qua sữa mẹ. Nhưng đối với các nước nghèo, tổ chức y tế thế giới không khuyến cáo việc này.

     5. Chăm sóc cho bé sau sinh

     5.1. Phác đồ điều trị HIV bằng thuốc cho trẻ

      Trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV thường được điều trị bằng zidovudine trong 4 – 6 tuần đầu tiên của cuộc đời. Zidovudine có thể giúp ngăn ngừa trẻ bị nhiễm HIV do tiếp xúc với máu của người mẹ trong khi sinh. Hoặc có thể sử dụng một loại thuốc khác, tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ điều trị.

     5.2. Xét nghiệm HIV cho trẻ sơ sinh

      Thông thường, trẻ sẽ được làm xét nghiệm kháng thể HIV để xem liệu chúng có bị nhiễm HIV hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm kháng thể HIV không chính xác ở trẻ sơ sinh. Vì kháng thể HIV có thể được truyền từ mẹ sang em bé. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ sơ sinh có xét nghiệm kháng thể HIV dương tính. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là em bé chắc chắn bị nhiễm HIV. Vì lý do này, một xét nghiệm đặc biệt đo trực tiếp virus được thực hiện ở trẻ sơ sinh để xem trẻ có bị nhiễm hay không. Nếu xét nghiệm virus chuyên biệt này (được gọi là xét nghiệm HIV PCR) âm tính, thì trẻ không bị nhiễm HIV. Tiếp tục thực hiện xét nghiệm theo dõi ở các mốc 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.

     Cho dù bị nhiễm HIV bạn vẫn hoàn toàn có thể làm mẹ được. Có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn lây truyền HIV sang cho trẻ. Điều quan trọng, chúng ta cần phải xác định rõ nguy cơ HIV và thai kì của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa nhé.

Bác sĩ Lê Hoàng Ngọc Trâm