1. Hệ thống miễn dịch - Hệ thống bảo vệ của cơ thể chống lại lây nhiễm

Để hiểu rõ cách thức hoạt động của vắc-xin COVID-19, trước tiên tìm hiểu về cách thức cơ thể chúng ta chống lại bệnh tật. Khi mầm bệnh, như virus gây bệnh COVID-19, tấn công cơ thể chúng ta, chúng tấn công và sinh sôi nảy nở. Sự tấn công này, còn gọi là lây nhiễm, là tác nhân gây ra bệnh tật. Hệ thống miễn dịch của chúng ta sử dụng một vài công cụ để chống lại lây nhiễm. Máu chứa các tế bào hồng cầu, chuyên chở oxy tới các mô và cơ quan trong cơ thể và bạch cầu hay các tế bào miễn dịch chống lại lây nhiễm. Các loại tế bào bạch cầu khác nhau chống lại lây nhiễm theo nhiều cách khác nhau:

- Đại thực bào là các tế bào máu trắng hấp thụ và tiêu hóa các mầm bệnh và các tế bào đã chết hoặc sắp chết. Các đại thực bào để lại các phần của mầm bệnh xâm nhập gọi là kháng nguyên. Cơ thể xác định các kháng nguyên được coi là nguy hiểm và kích thích các kháng thể tấn công chúng.

- Tế bào lympho B là các tế bào bạch huyết bảo vệ cơ thể. Chúng tạo các kháng thể tấn công các mảnh virus mà đại thực bào còn để lại.

- Tế bào lympho T là loại tế bào bạch huyết bảo vệ cơ thể. Chúng tấn công các tế bào trong cơ thể đã bị nhiễm bệnh.

Lần đầu tiên khi một người bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để cơ thể của họ tạo và sử dụng tất cả các công cụ cần thiết chống lại mầm bệnh để vượt qua tình trạng nhiễm bệnh. Sau khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch của cơ thể ghi nhớ những gì nó đã học hỏi được về cách bảo vệ cơ thể chống lại bệnh đó.

Cơ thể lưu giữ một vài tế bào lympho T, gọi là tế bào ghi nhớ, nhanh chóng hành động nếu cơ thể gặp lại loại virus tương tự. Khi phát hiện thấy kháng nguyên tương tự, tế bào lympho B tạo ra kháng thể chống lại chúng. Các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu xem thời gian mà các tế bào ghi nhớ này bảo vệ một người khỏi virus gây bệnh COVID-19 là bao lâu.

2. Cách thức hoạt động của vắc-xin COVID-19

Vắc-xin COVID-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh COVID-19 mà không cần nhiễm bệnh. Các loại vắc-xin khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra miễn dịch, nhưng với tất cả các loại vắc-xin, cơ thể sẽ được cung cấp tế bào lympho T "ghi nhớ" cũng như tế bào lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại virus trong tương lai.

Cơ thể thường cần vài tuần để tạo tế bào lympho T và tế bào lympho B sau khi tiêm vắc-xin. Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin rồi sau đó bị bệnh do vắc-xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch.

Đôi khi sau khi tiêm vắc-xin, quá trình tạo khả năng miễn dịch có thể gây ra các triệu chứng, như sốt. Những triệu chứng này là bình thường và là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tạo khả năng miễn dịch.

3. Các loại vắc-xin

Hiện có ba loại vắc-xin COVID-19 đang hoặc sớm triển khai trên quy mô rộng (Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3) tại Hoa Kỳ. Bên dưới là mô tả về cách thức mỗi loại vắc-xin thúc đẩy cơ thể ghi nhận và bảo vệ chúng ta khỏi virus gây bệnh COVID-19. Không có loại vắc-xin nào trong số này gây bệnh COVID-19 cho quý vị.

a) Vắc-xin mRNA chứa vật chất từ virus gây bệnh COVID-19 để cung cấp hướng dẫn cho tế bào chúng ta về cách tạo ra các protein vô hại riêng có với virus đó. Sau khi tế bào của chúng ta tạo ra các bản sao protein đó, chúng phá hủy các vật chất di truyền từ vắc-xin. Cơ thể chúng ta ghi nhận rằng protein không nên ở đó và tạo các tế bào lympho T và lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại virus gây bệnh COVID-19 nếu chúng ta nhiễm bệnh trong tương lai.

b) Vắc-xin dưới đơn vị bản chất protein gồm các mảnh (protein) virus gây bệnh COVID-19 nhưng vô hại, thay vì là toàn bộ con virus. Sau khi tiêm vắc-xin, hệ miễn dịch của chúng ta ghi nhận rằng protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo tế bào lympho T và các kháng thể. Nếu trong tương lai chúng ta bị nhiễm bệnh, tế bào ghi nhớ sẽ ghi nhận và chống lại virus đó.

c) Vắc-xin véc-tơ chứa phiên bản virus sống đã bị làm yếu đi, đây không phải là virus gây bệnh COVID-19 mà chỉ mang vật chất di truyền của virus gây bệnh COVID-19 được cấy vào (đây gọi là véc-tơ virus). Sau khi véc-tơ virus vào trong tế bào của chúng ta, vật chất di truyền sẽ cung cấp các hướng dẫn cho tế bào tạo protein riêng có với virus gây bệnh COVID-19. Dùng các hướng dẫn này, tế bào của chúng ta tạo ra các bản sao protein đó. Điều này thúc đẩy cơ thể chúng ta tạo tế bào lympho T và lympho B ghi nhớ cách chống lại virus đó nếu chúng ta bị lây nhiễm trong tương lai.

4. Hầu hết các vắc-xin COVID-19 đều cần tiêm vài lần

Tất cả cần phải tiêm hai lần ngoại trừ một loại vắc-xin COVID-19 hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Hoa Kỳ. Mũi tiêm đầu tiên bắt đầu thiết lập khả năng miễn dịch. Cần tiêm tiếp mũi thứ hai trong vài tuần sau đó để có được khả năng miễn dịch tốt nhất mà vắc-xin đó có thể tạo ra. Một loại vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 chỉ cần tiêm một lần.

5. Kết luận

Tiêm vắc-xin là một trong nhiều cách quý vị có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và người khác khỏi COVID-19.  Bảo vệ chống lại COVID-19 là vấn đề đặc biệt quan trọng với một số người vì nó có thể gây bệnh nghiêm trọng hoặc dẫn tới tử vong.

Ngăn chặn môt đại dịch đòi hỏi phải sử dụng tới mọi công cụ có sẵn. Vắc-xin kết hợp với hệ miễn dịch của quý vị để cơ thể của quý vị sẵn sàng chống lại virus nếu quý vị bị phơi nhiễm. Những biện pháp khác như khẩu trang và cách ly giao tiếp xã hội giúp giảm khả năng phơi nhiễm hoặc lây lan virus cho người khác. Việc kết hợp giữa tiêm vắc-xin COVID-19 và làm theo khuyến nghị của CDC để bảo vệ bản thân và người khác sẽ giúp mang tới sự bảo vệ tốt nhất cho chúng ta khỏi COVID-19.