1. HIV và AIDS là gì

     HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người và gây ra bệnh AIDS – hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Hệ thống miễn dịch là cơ chế bảo vệ chống lại nhiễm trùng, tăng sức đề kháng khỏi những tác nhân gây bệnh.

     Theo thời gian, HIV làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể. Từ đó, làm cơ thể mất khả năng chống lại các nhiễm trùng và một số bệnh lí ác tính khác. Giai đoạn này được gọi là bệnh AIDS. AIDS có thể đe dọa tính mạng, nhưng nó cũng là một căn bệnh có thể phòng ngừa được. HIV/AIDS được chẩn đoán bằng cách duy nhất là xét nghiệm máu.

     2. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nhiễm HIV

     HIV lây truyền khi máu hoặc dịch tiết ở cơ quan sinh dục (ví dụ như tinh dịch) bị nhiễm bệnh của người này xâm nhập vào cơ thể người khác. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm HIV. Bạn có thể bị nhiễm HIV thông qua những con đường sau:

  • Quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su khi quan hệ.
  • Kim bẩn hoặc vật dụng khác dùng để tiêm thuốc có dính máu bị nhiễm bệnh đâm phải vào người.
  • Truyền máu hoặc các sản phẩm máu chưa qua quy trình kiểm tra cẩn thận.
  • Do mẹ mang thai truyền sang cho con trong thời gian nhiễm bệnh hoặc do bú sữa mẹ có nhiễm HIV.
  • HIV không lây lan qua không khí, trong thực phẩm. Giao tiếp xã hội thông thường như bắt tay, ôm, ăn uống chung chén đũa cũng không ảnh hưởng.

      3. Các triệu chứng nào liên quan đến nhiễm HIV

      Trẻ sinh ra nếu bị nhiễm HIV thường không có triệu chứng rõ ràng sau sinh. Khi trẻ được 2 đến 3 tháng tuổi, chúng có thể bắt đầu biểu hiện những tình trạng như:

  • Tăng cân chậm hay suy dinh dưỡng.
  • Nhiễm trùng nấm có thể gây sang thương ở da kéo dài, gây nấm miệng và cổ họng khiến trẻ biếng ăn vì đau họng.
  • Sốt kéo dài.
  • Sưng đau hạch ở cổ.
  • Bụng chướng, tiêu lỏng kéo dài, nôn ói.
  • Các vấn đề về hệ thần kinh (như co giật, phát triển tâm thần và vận động chậm hơn so với những đứa trẻ khác cùng tuổi).

     Một đứa trẻ bị nhiễm HIV có xu hướng dễ bị nhiễm trùng nhiều hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ bệnh nặng hơn hay chậm cải thiện hơn những đứa trẻ khác.

     Người lớn bị nhiễm HIV có thể không có triệu chứng tại thời điểm bắt đầu nhiễm bệnh. Có thể mất 5 đến 10 năm để các triệu chứng dần xuất hiện rõ. Trong thời gian này, họ có thể là đối tượng lây virus cho người khác mà không hề hay biết bản thân đã nhiễm HIV.

     4. Có thuốc điều trị HIV/AIDS không

     Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị HIV. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh, không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Trẻ có thể cần phải xét nghiệm máu mỗi vài tuần hoặc vài tháng để kiểm tra số lượng virus. Xét nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của virus đến cơ thể của trẻ như thế nào và tiến triển việc điều trị ra sao. Điều trị HIV/AIDS bao gồm điều trị ngăn virus phát triển. Thêm vào đó là mục đích phòng ngừa những nhiễm trùng nặng mà trẻ dễ có nguy cơ mắc phải.

     Để việc điều trị đạt hiệu quả như mong muốn, thuốc điều trị HIV cần phải được uống đúng lúc và đúng cách. Điều này có thể gây khó khăn cho trẻ. Một vài trẻ có thể không muốn dùng thuốc vì có mùi vị khó chịu. Đôi khi, trẻ mặc cảm và không muốn uống thuốc trước mặt người khác. Bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ và tư vấn một cách tốt nhất nhé.

     Một số loại vắc-xin vẫn có thể dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ bị nhiễm HIV/AIDS. Trẻ em có hệ thống miễn dịch rất yếu sẽ không được tiêm vắc-xin virus sống, chẳng hạn như sởi-quai bị-rubella (MMR), thủy đậu…

     HIV/AIDS – căn bệnh thế kỷ, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem như là đại dịch khi số lượng người mắc phải và tử vọng ngày càng cao vì không có thuốc đặc trị. Việc chủ quan về những biện pháp an toàn đối với HIV sẽ ngày càng làm tăng nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và tuân thủ điều trị, người nhiễm HIV có thể sống hòa nhập chung với cộng đồng như một người khỏe mạnh bình thường.

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm