Chẩn đoán, điều trị SARS-CoV-2 của BYT VN
Ngày 29/7/2020, Bộ Y tế ra Quyết định 3351/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) thay thế cho “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19)” ban hành kèm theo Quyết định số 1344/QĐ-BYT ngày 25/3/2020.
Hướng dẫn nêu rõ: Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng COVID-19 nên chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.
Triệu chứng lâm sàng của người bệnh COVID-19 là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ, với thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự phục hồi sau khoảng 01 tuần.
Khoảng 14% người bệnh COVID-19 biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, khoảng 5% suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan.Tử vong xảy ra ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch …Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Bộ Y tế bổ sung thêm các biểu hiện lâm sàng ở trẻ em. Đa số trẻ mắc COVID-19 có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn hoặc không có triệu chứng, các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho hoặc các biểu hiện viêm phổi. Tuy nhiên, một số trẻ mắc COVID-19 thì có các biểu hiện mới như: Có tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaski, cụ thể là sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
Đồng thời, hướng dẫn cũng nêu cụ thể tên gọi của từng thể bệnh trên lâm sàng và phân loại theo quy định mới, gồm:
- Thể không có triệu chứng: Được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng lâm sàng;
- Mức độ nhẹ: Viêm đường hô hấp trên cấp tính. Người bệnh có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ. Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy;
- Mức độ vừa: Viêm phổi;
- Mức độ nặng: Viêm phổi nặng;
- Mức độ nguy kịch: Gồm hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); nhiễm trùng huyết (Sepsis); sốc nhiễm trùng; các biến chứng nặng - nguy kịch khác…
Bộ Y tế cũng nêu cụ thể việc chẩn đoán phân biệt viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 với viêm đường hô hấp cấp do các tác hân hay gặp khác và hoạt động xét nghiệm chẩn đoán, giám sát và báo cáo ca bệnh. Dự phòng lây nhiễm là một bước quan trọng trong chẩn đoán và điều trị người bệnh mắc COVID-19, do vậy cần thực hiện ngay khi người bệnh tới nơi tiếp đón ở các cơ sở y tế. Các biện pháp dự phòng chuẩn phải được áp dụng ở tất cả các khu vực trong cơ sở y tế. Các tiêu chuẩn khi người bệnh được xuất viện và hoạt động giám sát, theo dõi sau xuất viện cũng được hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong quyết định 3351/QĐ-BYT.
Tiêu chuẩn bệnh nhân COVID-19 xuất viện là: Hết sốt ít nhất 03 ngày; các triệu chứng lâm sàng cải thiện; toàn trạng tốt; các dấu hiệu sinh tồn ổn định; chức năng các cơ quan bình thường; xét nghiệm máu trở về bình thường; Xquang phổi cải thiện. Sau xuất viện cần cách ly, theo dõi giám sát thêm 14 ngày nữa bởi y tế cơ sở và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/.