Cây nhân trần điều trị bệnh gan
Tên khoa học: Adenosma caeruleum R. Br. (Adenosma glutinosum (L.) Druce var. caeruleum Tsoong)
Thuộc họ: Hoa mõm chó Scrophulariaceae
Tên khác: Chè nội, Chè cát, Tuyến hương lam.
Tên vị thuốc: Nhân trần
I. Đặc điểm thực vật
Cây Nhân trần là loài cỏ mọc hoang sống hàng năm, cây cao từ 80 - 110 cm, thân tròn màu tím sẫm, trên thân có lông trắng mịn, cây có khả năng phân cành nhiều. Lá mọc đối, hình trứng, đầu lá dài, mép lá có răng cưa, phiến lá dài từ 4 - 9 cm. Hoa mầu tím, mọc đơn độc, hình ống. Quả nang hình trứng, khi chín quả có mầu nâu và tự tách ra, hạt nhỏ mầu nâu.
Mùa hoa vào tháng 8 - 9. Mùa quả vào tháng 9 - 10.
II. Điều kiện sinh thái và phân bố
Cây Nhân trần thường mọc hoang ở những đồi, ruộng trung du miền Bắc, nhiều nhất tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghĩa Lộ, Quảng Ninh, Hà Nội (Sóc Sơn), v.v... ở phía Nam cũng gặp Nhân trần mọc ở Tây Ninh.
Nhân trần phân bố ở Thái Lan, ấn Độ, Inđônêxia.
Nhân trần là cây sống hàng năm, gieo hạt bắt đầu từ cuối tháng 2 sang tháng 3 khi cây được 6 lá đem trồng, sau khi trồng 5 - 6 tháng cây bắt đầu ra hoa, kết hạt sau đó tàn lụi. Cây cũng có thể tái sinh nếu gặp điều kiện thuận lợi, gốc cây có thể sống qua đông đến mùa xuân năm sau xuất hiện các chồi mới.
Cây ưa sáng và ưa ẩm nhưng không chịu được úng, lượng mưa thích hợp cho Nhân trần từ 1700 - 1800 mm, nhiệt độ thích hợp từ 15 - 30oC. Những năm gần đây, Nhân trần được trồng nhiều ở một số nơi như Mê Linh (Vĩnh Phúc), Gia Lộc (Hải Dương) và một số vùng đồi núi gần Hà Nội… Phạm vi thích ứng về đất đai cũng khá rộng. Nhân trần trước đây mọc hoang, sau đó nhân dân đưa về trồng ở các tỉnh vùng trung du miền núi có kết quả. Nhân trần được di thực và trồng ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương) có chất lượng cũng không thua kém Nhân trần trồng ở vùng trung du miền núi.
III. Giá trị làm thuốc
1. Thành phần hoá học
Cây Nhân trần có tinh dầu với hàm lượng 1%, trong đó các thành phần chính là paracymen, pinen limonen, cineol, anethol. Ngoài ra còn có một số thành phần khác như axit nhân thơm, sesquiterpen, flavonoid,monoterpenoid...
2. Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
a) Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là bộ phận trên mặt đất của cây Nhân trần.
b) Công dụng:
Theo y học cổ truyền
-Nhân trần có vị đắng, cay, tính bình, quy vào các kinh tỳ, vị, can, đởm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hành khí, chỉ thống, lợi tiểu, làm ra mồ hôi. Được dùng trong các bệnh viêm gan, viêm túi mật, bệnh hoàng đản (vàng da), kích thích tiêu hóa.
- Nhân trần dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông, và hồi phục sức khoẻ cho phụ nữ sau khi đẻ.
- Ở Trung Quốc, Nhân trần được dùng chữa phong thấp cốt thống, khí trễ phúc thống, mụn nhọt, mẩn ngứa do bọ đốt...
Theo y học hiện đại
- Nhân trần có tác dụng tăng tiết mật trên chuột lang.
- Tăng cường khả năng thải trừ của gan qua thực nghiệm với nghiệm pháp BSP ở chuột lang.
-Trên mô hình gây phù bàn chân chuột bằng kaolin và mô hình gây u hạtthực nghiệm cho thấy, Nhân trần có tác dụng chống viêm rõ rệt ở cả giai đoạn cấp và mãn tính.
- Nhân trần cũng gây teo thu tuyến ức ở chuột cống non (mức độ 31,4%), thể hiện tác dụng ức chế miễn dịch.
- Tác dụng diệt giun kí sinh rất tốt, đã thử nghiệm trên giun đũa.
- Nhân trần có tác dụng kháng một số chủng vi khuẩn Shigella shigae,Staphylococcus aureus, Streptococcus hemolyticus...
- Độc tính cấp và bán mãn được nghiên cứu trên thực nghiệm không thấy có các biểu hiện nhiễm độc do thuốc.
- Bộ môn truyền nhiễm Trường đại học Y khoa Hà Nội dùng siro Nhân trần điều trị thực nghiệm bệnh viêm gan do virus trong giai đoạn cấp tính (các bệnh nhân dùng thuốc là người lớn), có biểu hiện của thời kì tiền hoàng đản hay hoàng đản, có hoạt độ của mentransaminaza và bilirubin máu tăng. Sau một thời gian điều trị cho thấy bilirubin máu và hoạt độ của SGPT trở về bình thường và cải thiện rõ rệt các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân.
Truyền thuyết về cây nhân trần
Danh y Hoa Đà từng bó tay trước một ca bệnh nặng. Một năm sau gặp lại, ông thấy cô gái này rất khỏe mạnh, tươi tắn. Hỏi ra, khi đào rau núi ăn cho qua đợt đói kém, cô đã tình cờ ăn một loài cây, đó là nhân trần.
Chuyện xưa kể rằng: Vào mùa xuân năm ấy, có một nữ bệnh nhân tìm gặp danh y Hoa Đà để chữa bệnh. Nhìn thân hình gầy như que củi, sắc mặt vàng vọt, niêm mạc hai mắt mang màu mơ chín, Hoa Đà tiên sinh biết rằng cô gái này bị chứng "hoàng lao bệnh" hay "hoàng đản bệnh", căn bệnh mà ngày nay y học hiện đại gọi là viêm gan vàng da. Thời đó, chứng bệnh này chưa có cách chữa nên Hoa Đà đành nói: "Căn bệnh này tôi không chữa được, cô hãy về đi!". Cô gái nghe vị danh y nói vậy đành ngậm ngùi trở về nhà và cũng không nghĩ chuyện đi tìm thầy khác chữa bệnh nữa.
Một năm trôi qua, tình cờ gặp lại, nhìn thấy cô gái thân hình béo tốt, sắc mặt hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, Hoa Đà rất đỗi ngạc nhiên, hỏi: "Cô đã tìm được ai để chữa bệnh vậy?". Cô gái lắc đầu: "Không ạ, cháu không uống thuốc của ông lang nào cả". Hoa Đà lại hỏi: "Vậy có tự dùng thuốc gì không?". Cô gái đáp: "Không, cháu cũng không dùng thuốc gì cả".
Hoa Đà tiên sinh trong lòng đầy nghi ngờ, tự hỏi: Bệnh nặng mà không dùng thuốc thì làm sao có thể khỏi được? Vì vậy, ông lại gặng hỏi: "Cô thử nghĩ kỹ xem, hằng ngày ngoài việc dùng cơm có còn ăn thứ gì khác nữa không?". Cô gái đáp: "Không ạ. Mấy năm nay đói kém, cơm gạo chẳng đủ, cháu phải lên núi hái rau dại để ăn". Nghe vậy, Hoa Đà vội nhờ cô gái dẫn đi xem loại rau đó. Thì ra đó chính là hoàng cao đầu, một vị thuốc khá quen thuộc.
Từ đó trở đi, Hoa Đà chú tâm nghiên cứu khả năng chữa trị của hoàng cao đối với chứng bệnh viêm gan vàng da. Nghe theo lời khuyên của ông, hầu hết bệnh nhân đều khỏi chỉ bằng việc dùng hoàng cao làm rau ăn trong một tháng. Tuy nhiên, một lần, một bệnh nhân mặc dù đã làm đúng theo lời Hoa Đà dặn, ăn rau thuốc mấy tháng liền mà bệnh vẫn không khỏi. Hoa Đà tìm gặp và hỏi: "Ngoài việc dùng hoàng cao ra anh có ăn thứ gì khác không?". Người bệnh nói: "Không ạ, cháu chỉ uống nước trắng thôi". Hoa Đà lại hỏi: "Vậy anh ăn hoàng cao vào thời gian nào?". Người bệnh đáp: "Vào khoảng trước sau tiết Thanh minh".
Sau nhiều ngày suy ngẫm, vị danh y chợt nhận ra rằng: Mùa xuân là giai đoạn dương khí thượng thăng, cây cối đâm chồi, trăm hoa đua nở, sức thuốc tập trung ở thân và cành nên chữa bệnh có hiệu quả cao, từ đầu hạ trở đi cây cối ra lá và mọc cành mới, dược lực phân tán nên trị liệu ít kiến hiệu. Năm sau, trước tiết Thanh minh, ông tự mình lên núi lấy hoàng cao về cho người bệnh này ăn, quả nhiên chỉ sau một tháng, bệnh tình thuyên giảm rõ rệt, dùng thêm một tháng nữa bệnh cơ bản khỏi.
Hoa Đà mừng khôn xiết và từ đó, cứ vào 3 tháng đầu năm, ông thường lên núi thu hái hoàng cao về tích trữ dùng dần. Sau này, để tránh nhầm lẫn, ông đặt cho cây thuốc này một cái tên mới gọi là "nhân trần".
Cách dùng trà nhân trần
Nhân trần 30g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút có thể dùng được, pha thêm một chút đường phèn uống thay trà trong ngày, dùng phòng bệnh do thấp nhiệt gây ra, điều trị viêm gan cấp và mạn tính.
Nhân trần 300g, sinh địa hoàng 60g , trà 30g. Ba vị tán vụn, mỗi ngày lấy30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10-15 phút có thể dùng được,uống thay trà trong ngày. Dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính.
Bạch hoa xà thiệt thảo 500g, nhân trần 150g, sinh cam thảo 50g. Tất cả tháivụn, mỗi ngày lấy 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút cóthể dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng chữa viêm gan vàng da cấptính có sốt.
Mạch nha 500g, nhân trần 500g, quất bì 250 g. Tất cả sấy khô tán vụn, mỗi ngày dùng 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng trị viêm gan giai đoạn di chứng có rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy bụng chậm tiêu.
Râu ngô 300g, nhân trần 150g, bồ công anh 150g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được,uống thay trà trong ngày. Dùng để phòng chống viêm gan, viêm túi mật,sỏi mật...