Các xét nghiệm cơ bản phát hiện suy tim
Hầu hết các bác sĩ có thể nhận định suy tim thông qua các triệu chứng lâm sàng điển hình như: ho, phù, khó thở, mệt mỏi. Bằng cách nghe tiếng đập của tim bác sĩ cũng có thể sơ bộ dự đoán về các vấn đề mà trái tim bạn đang gặp phải. Tuy nhiên, để có một kết luận chính xác, đặc biệt là với các trường hợp bệnh cảnh phức tạp thì vẫn phải dựa trên kết quả của những xét nghiệm cận lâm sàng.
Các xét nghiệm hay được sử dụng trong chẩn đoán suy tim đó là:
1. Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ có thể cung cấp thông tin để chẩn đoán nguyên nhân của suy tim, tìm kiếm dấu hiệu nhồi máu cơ tim cũ (sóng Q), phì đại nhĩ hoặc phì đại thất, dấu hiệu của thiếu máu cơ tim cục bộ (thay đổi bất thường của ST-T), các rối loạn dẫn truyền hay tình trạng loạn nhịp tim. Trong những trường hợp cần đánh giá chi tiết hơn về rối loạn nhịp của bệnh nhân, có thể mắc Holter đo điện tâm đồ liên tục trong 24 giờ nhằm mục đích ghi lại những rối loạn nhịp tim ngắt quãng.
Rất hiếm khi bắt gặp tình trạng suy tim ở những bệnh nhân có hình ảnh điện tâm đồ hoàn toàn bình thường.
2. X quang ngực
X-quang ngực chỉ có ý nghĩa hạn chế trong chẩn đoán suy tim. Nó chủ yếu hữu ích trong việc đánh giá và loại trừ các nguyên nhân gây ra triệu chứng dễ nhầm lẫn với suy tim, chẳng hạn như: ho, khó thở do viêm phổi hay tràn khí màng phổi. Hình ảnh X-Quang ngực điển hình ở các bệnh nhân suy tim là: bóng tim to, chỉ số tim/lồng ngực >0.5, tăng tuần hoàn phổi thụ động, đường Kerley B, tràn dịch màng phổi và có thể thấy hình ảnh cánh bướm trong phù phổi cấp.
3. Siêu âm tim
Siêu âm tim là một xét nghiệm rất hữu ích trong chẩn đoán suy tim. Siêu âm tim giúp đánh giá cả hình thái và chức năng của tim như: kích thước tim; chức năng tâm thu, tâm trương thất trái; rối loạn vận động vùng; các bệnh van tim; màng ngoài tim; bệnh tim bẩm sinh. Một chỉ số quan trọng hiện nay cũng thường được xác định thông qua siêu âm tim là phân suất tống máu. Bình thường chỉ số phân suất tống máu cho một trái tim khỏe mạnh là từ 55% đến 70%, khi phân suất tống máu thấp dưới 55% chính là dấu hiệu để cảnh báo sự suy giảm chức năng của tim.
Thông qua siêu âm tim bác sĩ có thể thu thập được rất nhiều thông tin hữu ích có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nguyên nhân, mức độ của suy tim cũng như lựa chọn đưa ra một phương pháp điều trị thích hợp.
4. Xét nghiệm máu
Thường xuyên làm các xét nghiệm huyết học cũng rất quan trọng với bệnh nhân suy tim. Xét nghiệm hay được tiến hành đó là: Công thức máu; Xét nghiệm nồng độ các chất điện giải: Magie, Calci, Natri, Kali,…; các xét nghiệm sinh hóa máu: đường huyết lúc đói, xét nghiệm chức năng gan, creatinin, Cholesterol máu, LDL-C, HDL-C, triglycerid, xét nghiệm chức năng tuyến giáp (thông qua giá trị TSH, FT4, FT3) và các xét nghiệm nước tiểu.
Những xét nghiệm này rất hữu ích trong việc xác định các bệnh liên quan có thể làm trầm trọng hơn tình trạng suy tim ở người bệnh như: Bệnh về tuyến giáp, tiểu đường, thiếu máu,… Đồng thời kiểm tra tình trạng bệnh nhân trước, trong và sau khi sử dụng một số loại thuốc điều trị để có thể điều chỉnh liều kịp thời giúp giảm tác dụng không mong muốn của thuốc,điển hình như trường hợp bệnh nhân sử dụng các thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu hay thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)…
5. Định lượng nồng độ B-type natriuretic peptide (BNP) trong máu
BNP được tạo ra bởi các tế bào cơ tim, để đáp ứng với tình trạng quá tải của tâm thất về thể tích hoặc áp lực. BNP tăng ở bệnh nhân có rối loạn chức năng thất trái không triệu chứng và ở người bệnh suy tim có triệu chứng.
Nồng độ BNP có tương quan với mức độ nặng của suy tim và tiên đoán được tiên lượng sống còn của bệnh nhân, BNP>400 pg/ml là có ý nghĩa trong chẩn đoán suy tim. Tuy nhiên, nồng độ của BNP trong máu giảm ở bệnh nhân suy thận, BNP
Ngoài các xét nghiệm trên, hiện nay tại các bệnh viện đầu ngành ở nước ta còn sử dụng một số kỹ thuật tiên tiến khác như: Chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp động mạch vành,… Những phương pháp này có thể cung cấp một chẩn đoán chắc chắn và chính xác các vấn đề về tim của bạn. Tuy nhiên nó cũng có những hạn chế nhất định, đó là chỉ thực hiện được ở các bệnh viện lớn do vốn đầu tư trang thiết bị cao, kĩ thuật phức tạp và chi phí cho mỗi lần xét nghiệm rất tốn kém.