Nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống hiện nay luôn là đề tài nóng khi hàng năm có hàng chục vụ xảy ra ở các bếp ăn tập thể các khu công nghiệp hoặc đám hiếu đám hỷ trên cả nước, đặc biệt là vụ ngộ độc C.botilium trong pate chay. Để phòng tránh, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau

            I. PHÒNG TRÁNH NHIỄM TRÙNG NHIỄM ĐỘC ĂN UỐNG

Không phải lúc nào cũng phòng tránh được nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống, tuy nhiên một số biện pháp phòng ngừa có thể giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

1. Khuyến nghị về an toàn thực phẩm

Khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa tổng hợp sau đây:

• Không uống sữa chưa được tiệt trùng (unpasteurized) hay dùng các thực phẩm có chứa sữa chưa được tiệt trùng.

• Rửa trái cây tươi và rau thật kỹ dưới vòi nước trước khi ăn.

• Giữ nhiệt độ tủ lạnh ở 4,4 º C hoặc thấp hơn, giữ nhiệt độ các tủ đông lạnh ở 0 ºC hoặc thấp hơn.

• Dùng các loại thực phẩm đã nấu sẵn, thực phẩm dễ ôi thiu, hoặc các loại thực phẩm ăn ngay càng sớm càng tốt.

• Giữ thịt, cá, thịt gia cầm sống riêng biệt với các loại thực phẩm khác.

• Rửa tay, dao, thớt ngay sau khi đã xử lý xong các thực phẩm tươi sống, các sản phẩm thịt sống, cá, gia cầm.

• Nấu thức ăn có nguồn gốc động vật khi đạt nhiệt độ bên trong an toàn: thịt bò xay 71 º C; gà 77 º C; gà tây 82 º C, thịt lợn 71 º C.

• Hải sản phải được nấu kỹ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống.

• Ăn cá sống (ví dụ, sushi) gây nguy cơ nhiễm một loạt các ký sinh trùng (chưa kể đến những rủi ro liên quan đến nhiễm những vi sinh vật từ tay người chế biến).

• Làm đông lạnh có thể giết chết một số vi sinh vật có hại, dù không phải là tất cả. Các loại cá có dán nhãn "cấp độ sushi" hoặc "cấp độ sashimi" đều đã được đông lạnh.

• Nấu trứng gà, trứng vịt thật kỹ, cho đến khi lòng đỏ đặc cứng lại.

• Làm lạnh thực phẩm kịp thời. Không bao giờ để thức ăn đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá hai giờ (chỉ để một giờ nếu nhiệt độ phòng trên 32 °C).

            2. Các khuyến nghị bổ sung sau đây áp dụng cho phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy giảm

• Không ăn bánh mì kẹp thịt, pate, thịt nguội, giò lụa hay các loại thịt đặc sản khác trừ phi đã được hâm nóng lại cho đến khi bốc hơi nóng, tránh việc sử dụng lò vi sóng vì có thể xảy ra tình trạng chín không đồng đều.

• Tránh đổ chất lỏng từ các bao thịt sống và thịt nguội lên những thực phẩm khác, lên dụng cụ bếp núc, và các bề mặt dùng để chuẩn bị thức ăn.

• Ngoài ra, nên rửa tay sau khi chuẩn bị các món xúc xích, thịt nguội, các loại thịt đặc sản, thịt sống, thịt gà, gà tây, các hải sản và các loại nước thịt sống.

• Không ăn các loại sa lát đã được trộn sẵn như salad thịt giăm bông, salad thịt gà, salad khoai tây trứng, salad cá ngừ, hoặc salad hải sản.

• Không ăn các loại pho mát mềm như feta, Brie, Camembert, phó mát gân xanh, pho mát phong cách Mexico như queso Blanco, queso fresco, hoặc Panela, trừ phi chúng được dán nhãn hiệu sản phẩm công bố rõ là loại pho mát được chế biến từ sữa tiệt trùng.

• Không ăn các loại pate lạnh hoặc thịt bằm dùng trét lên bánh mì. Có thể ăn các sản phẩm đóng hộp còn hạn sử dụng ổn định.

• Không ăn hải sản lạnh hun khói trừ phi đã nấu chín. Hải sản hun khói ướp lạnh như cá hồi, cá thịt trắng, cá tuyết, cá ngừ hoặc cá thu, thường được dán nhãn là "phong cách-nova", "Lox", "kippered".
Có thể ăn các loại hải sản hun khói đóng hộp còn hạn sử dụng ổn định.

II. NGĂN CHẶN LÂY NHIỄM

- Những người bị tiêu chảy và/hoặc ói mửa phải rất thận trọng để tránh lây lan cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của mình.

- Bệnh nhân được xem là còn lây nhiễm khi vẫn tiếp tục nôn mửa hoặc tiêu chảy. Khả năng lây nhiễm có thể tồn tại lâu hơn tùy theo loại vi khuẩn gây bệnh.

- Vi sinh vật gây nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống thường lây lan từ người này sang người khác qua đường tiếp xúc tay-miệng.

- Nên rửa tay, vệ sinh kỹ sau khi thay tã lót.

- Nghỉ việc hoặc nghỉ học trong thời gian mắc bệnh là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh lây nhiễm trong gia đình và cộng đồng.

BS. NGỌC KHANH