Thông cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhân ngày Viêm gan thế giới (28.7) đã nêu rõ virus viêm gan C và virus viêm gan B là hai loại virus có thể dẫn đến những căn bệnh hiểm nghèo và mãn tính như ung thư gan và xơ gan. Đặc biệt, những biến chứng của viêm gan virus C cực kỳ nguy hại và nguy cơ tử vong cao

Virus... sừng sỏ

Cùng với virus viêm gan B, virus viêm gan C là virus sừng sỏ nhất trong các virus gây viêm gan. Tỷ lệ người mắc virus viêm gan C tiến triển thành bệnh là rất lớn và tỷ lệ người bị biến chứng cũng rất cao. Sau khi virus viêm gan C xâm nhập cơ thể khoảng 15 - 50 ngày, chỉ có khoảng 20% người nhiễm có biểu hiện nhiễm trùng cấp. Triệu chứng điển hình là vàng da - niêm mạc, men gan tăng cao (chỉ phát hiện ở 25% bệnh nhân), nghĩa là bệnh đang hoạt động. Nhiễm virus viêm gan C cấp có thể tự khỏi trong 10 - 25% trường hợp, như vậy là có khoảng 75% bệnh nhân trở thành người nhiễm mãn tính với sự hiện diện của virus viêm gan C trong máu.

Các nấc thang mà gan bị nhiễm virus viêm gan C có thể sẽ trải qua

Trong số này có khoảng 10 - 20% bệnh nhân viêm gan C bị biến chứng thành bệnh xơ gan, 5% bị biến chứng thành bệnh ung thư gan. Xét trên tổng thể, người bệnh viêm gan virus C sẽ phải đối mặt với ba biến chứng rất nguy hại là xơ gan, ung thư gan và suy gan. Từ ba biến chứng này có khoảng cách không xa với giới hạn tử vong. Nhưng nguy hiểm hơn là viêm gan C diễn ra âm thầm, không có triệu chứng gì cho đến khi nó gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến gan.

Cần điều trị ngay !

Bệnh viêm gan C là bệnh lây truyền qua đường máu và mẹ truyền sang con; đường lây giống y hệt virus HIV. Theo những con đường này, có 4 phương thức lây truyền cơ bản: quan hệ tình dục bừa bãi không an toàn, tiêm chích ma túy, truyền máu không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Do bệnh không có triệu chứng rõ rệt nên hầu hết người bệnh không nhận ra là họ đã bị nhiễm bệnh và có thể vô tình để bệnh lây lan trong cộng đồng.

Tuy rất dễ lây lan và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng viêm gan C có thể chữa được nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thuốc và đúng cách. Phương pháp điều trị phổ biến hiện nay đó là thuốc ức chế virus kết hợp với interferon thế hệ mới.

Nhưng chính gánh nặng điều trị đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt, lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và chi phí tốn kém đã khiến nhiều bệnh nhân hiện nay cảm thấy e ngại dẫn tới việc điều trị chưa đầy đủ.

Biện pháp rẻ nhất, hiệu quả nhất để chống lại bệnh này đó là phòng ngừa: Nói không với tiêm chích ma túy; nói không với tình dục bừa bãi và nói không với truyền máu không an toàn. Đừng để nhiễm bệnh rồi điều trị, tức là “mất bò mới lo làm chuồng” thì thực sự rất tốn kém.