Biểu hiện ngoài da khi nhiễm covid-19
COVID-19 là virus được xác định là nguyên nhân gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 – SARS-CoV-2), được phát hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Kể từ trường hợp đầu tiên được công bố vào tháng 12/2019, cho đến nay (đầu tháng 8/2020), COVID-19 đã trở thành một đại dịch toàn cầu, với 19 triệu người mắc và hơn 700 nghìn người tử vong trên toàn thế giới. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan, trong đó có biểu hiện ngoài da.
Tỉ lệ gặp triệu chứng da của nhiễm COVID-19 thay đổi trong các nghiên cứu. Trong 1009 trường hợp mắc COVID-19 ở Vũ Hán, chỉ có 0.2% bệnh nhân có tổn thương da. Gần đây, biểu hiện da của nhiễm COVID-19 được quan tâm nhiều hơn. Một nghiên cứu công bố vào cuối tháng 3/2020 trên 88 bệnh nhân ở Italia, có 18 bệnh nhân (20.4%) có triệu chứng da, trong đó có 8 bệnh nhân có tổn thương da ở thời điểm khởi phát, 10 bệnh nhân xuất hiện tổn thương trong thời gian nằm viện. Tổn thương da trong nhiễm COVID-19 đa dạng và một số triệu chứng da có liên quan đến mức độ nặng của bệnh.
Hình 1: Một số tổn thương da của COVID-19: A.Tổn thương dạng mày đay, B. Mụn nước dạng thuỷ đậu, C. Tổn thương dạng cước, D. Tổn thương dạng mảng sẩn, E. Tổn thương dạng vảy phấn hồng (nguồn: Internet).
1. BAN DẠNG SẨN MẢNG ĐA DẠNG (MACULOPAPULAR RASH)
Ban dạng sẩn mảng là tổn thương da thường gặp nhất, gặp ở 47% bệnh nhân trong một nghiên cứu trên 375 bệnh nhân Tây Ban Nha nhiễm COVID-19 được công bố vào cuối tháng 4/2020. Tổn thương thường ở thân mình, tay chân, ít gặp ở trẻ em. Ban có thể xuất hiện ở thời điểm khởi phát, nhưng thường gặp hơn ở giai đoạn sau của bệnh. Một số tổn thương được mô tả tương tự trong bệnh vảy phấn hồng.
Hình 2: Tổn thương dạng sẩn, mảng đa dạng ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã xác định (nguồn: Internet).
Hình 3: Tổn thương dạng sẩn, mảng đỏ, ranh giới không rõ ở thân mình, tay chân, không có tổn thương ở niêm mạc ở một bệnh nhân nữ 67 tuổi nhiễm COVID-19. Mô bệnh học có hình ảnh xâm nhập bạch cầu lympho quanh mạch máu, mạch máu giãn rộng
2. TỔN THƯƠNG ĐẦU CỰC DẠNG CƯỚC (PERNIO (CHILBLAIN)-LIKE ACRAL LESIONS)
Tổn thương đầu cực dạng cước, hay còn gọi là ngón chân COVID (COVID toe). Tổn thương là các mảng đỏ-tím, thường ở ngón tay, khuỷu, ngón chân, mặt bên bàn chân, có thể sưng nề hoặc không. Tổn thương xuất hiện ngay khi không gặp lạnh và thường không kèm theo các bệnh khác liên quan đến cước da. Các tổn thương dạng cước đầu cực do lạnh thông thường thường ở đầu ngón chân, phù nề, tự giới hạn. Ngược lại, tổn thương ngón chân COVID thường có triệu chứng nặng nề hơn như ngứa (30%), đau (32%), bỏng rát, có thể dẫn tới loét và thời gian hồi phục lâu hơn. Tổn thương gặp chủ yếu ở các bệnh nhân trẻ tuổi.
Cơ chế bệnh sinh chưa rõ, có thể liên quan đến quá trình viêm gây ra tổn thương mạch (dựa trên một số tiêu bản mô bệnh học).
Tổn thương dạng cước xuất hiện trong 80 trong tổng số 318 trường hợp trong nghiên cứu của Hội da liễu Hoa Kỳ, trong nghiên cứu của Tây Ban Nha trên 375 bệnh nhân, có 19% bệnh nhân có tổn thương dạng cước, có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn hoặc giai đoạn sau nhiễm virus ở.
Sự có mặt của tổn thương dạng cước ở bệnh nhân COVID-19 có liên quan đến mức độ nhẹ của bệnh. Trong một nghiên cứu, 55% bệnh nhân có tổn thương đầu cực dạng cước nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ, 98% bệnh nhân điều trị ngoại trú. Chưa có khuyến cáo nào cho điều trị các tổn thương dạng cước trên bệnh nhân COVID-19. Một số trường hợp gây khó chịu, sử dụng corticoid mức độ mạnh, thuốc chẹn canxi như nifedipin, nitroglycerin bôi tại chỗ có thể làm giảm triệu chứng. Tổn thương thường tự hồi phục sau 2-8 tuần.
Hình 4: Tổn thương dạng cước ở ngón chân ở bệnh nhân COVID-19 (nguồn: Internet)
3. VIÊM MẠCH DẠNG LIVEDO, VIÊM MẠCH HOẠI TỬ
Viêm mạch dạng livedo (dạng lưới) và tổn thương mạch hoại tử có liên quan đến các trường hợp nhiễm COVID-19 mức độ nặng. Trong 11 bệnh nhân COVID-19 được báo cáo có viêm mạch dạng lưới, tất cả đều phải nhập viện và 9 bệnh nhân có hội chứng suy hô hấp cấp. Một số quan điểm cho rằng, tổn thương là hậu quả của biến chứng tắc mạch huyết khối trong nhiễm COVID-19. Tổn thương kèm theo các rối loạn về đông cầm máu: PT kéo dài, APTT giảm, tăng nồng độ D-dimer và có liên quan đến huyết khối động mạch phổi. Hình ảnh trên mô bệnh học là các tổn thương vi mạch máu kèm vi huyết khối ở cả da bệnh và da lành.
Hình 5: Tổn thương dạng lưới, màu tím ở bụng của một bệnh nhân nam 70 tuổi mắc COVID-19. Tổn thương sau 14 ngày: sẹo trắng sứ dạng lưới trên nền dát đỏ
4. MÀY ĐAY (URTICARIA)
Mày đay cấp có hoặc không có sốt là một dấu hiệu của nhiễm COVID-19. Tổn thương mày đay có thể xuất hiện như là một tiền triệu của nhiễm COVID-19, hoặc cũng có thể xuất hiện sau khi có các dấu hiệu khác của nhiễm COVID-19. Tỉ lệ mày đay ở nghiên cứu trên 375 ca của Tây Ban Nha là 19% (73 bệnh nhân), trong đó có một ca bệnh nguy kịch. Tổn thương thường kèm theo ngứa (92%), và cải thiện khi dùng thuốc kháng histamin.
Mày đay kèm theo sốt, kèm theo các yếu tố dịch tễ có thể coi là một gợi ý nhiễm COVID-19. Cần phân biệt với mày đay cấp tính tự phát hoặc mày đay do thuốc.
Hình 6. Tổn thương mày đay ở bệnh nhân COVID-19 (nguồn: Internet).
5. PHẢN ỨNG MỤN NƯỚC HOẶC DẠNG THUỶ ĐẬU (VESICULAR ERUPTIONS/CHICKENPOX-LIKE RASH)
Tổn thương mụn nước nhỏ dạng thuỷ đậu kèm ngứa (68%) thường phân bố ở phân mình, hay gặp ở người trung tuổi và xuất hiện trên 9% trong số 375 trường hợp nhiễm COVID-19. Theo một nghiên cứu trên 24 bệnh nhân, sự xuất hiện các tổn thương mụn nước, mụn mủ, sẩn thường từ ngày 4-30 sau khi khởi phát, tự hết sau 10 ngày. PCR virus COVID-19 tại tổn thương thực hiện trên 40 bệnh nhân ở một nghiên cứu khác đều âm tính.
Hình 7: Tổn thương dạng sẩn, mụn nước ngứa ở nếp dưới vú, thân mình, hông ở bệnh nhân nữ 72 tuổi nhiễm COVID-19. Tổn thương biến mất sau 10 ngày. (nguồn: Internet).
6. HỘI CHỨNG VIÊM ĐA HỆ THỐNG Ở TRẺ EM (MULTISYSTEM INFLAMMATORY SYNDROME IN CHILDREN – MIS-C).
Tập hợp các triệu chứng như ban đỏ đa hình thái ở tay chân, viêm niêm mạc miệng, viêm kết mạc, Kawwasaki được báo cáo trên 10 trẻ Italia nhiễm COVID-19. Các trường hợp tương tự cũng được ghi nhận ở Anh, Mỹ và một số quốc gia khác.
Hình 8: Tổn thương da của trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (nguồn: Internet)
7. CÁC TRIỆU CHỨNG KHÁC
Một số tổn thương ít gặp hơn trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 là tổn thương sẩn bong vảy, tổn thương dạng hồng ban đa dạng (hay gặp ở trẻ nhỏ), tổn thương dạng sốt xuất huyết Dengue, chấm xuất huyết, hoại tử, tổn thương niêm mạc, rụng tóc androgen…
Hình 9: Các tổn thương dát, sẩn ngứa ở thân mình ở một bệnh nhân nữ 71 tuổi nhiễm COVID-19 (hình bên trái). Tổn thương ban đỏ ở nếp gấp xuất hiện ngày thứ 5 của nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân nữ 64 tuổi (hình bên phải)
Một số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm COVID-19 cũng có một vài ban da thoáng qua. Trên 65 phụ nữ mang thai Trung Quốc nhiễm COVID-19, sinh ra 67 trẻ, có 2 trẻ có ban sơ sinh, dạng mảng sẩn lan toả, hoặc dát đỏ, biến mất sau 10 ngày mà không cần điều trị
KẾT LUẬN
Biểu hiện ngoài da của bệnh nhân nhiễm COVID-19 rất đa dạng, trong đó 5 biểu hiện thường gặp nhất là: ban dạng sẩn mảng đa dạng (47%), mày đay (19%), tổn thương đầu cực dạng cước (19%), phản ứng mụn nước hoặc dạng thuỷ đậu (9%), viêm mao mạch dạng livedo hoặc hoại tử (6%). Hầu hết các tổn thương đều tự khỏi sau khi bệnh nhân hồi phục. Nhận định tổn thương da có thể giúp ích trong chẩn đoán sớm nhiễm COVID-19 trong một số trường hợp ít triệu chứng toàn thân, đồng thời một số tổn thương có thể giúp tiên lượng được mức độ nặng của bệnh.
Viện Da liễu Trung ương