Biến thể mới Omicron chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp ngày 26/11. Ban đầu nó được gọi là B.1.1.529, lần đầu được phát hiện tại Nam Phi vào ngày 9/11, được báo cáo lần đầu cho WHO vào ngày 24/11.

Theo thông báo của Bộ Y tế Việt Nam, biến thể Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai (thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể), là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Omicron chứa hàng loạt đột biến như K417N, N501Y, N440K, G446S... Trong đó đột biến K417N từng xuất hiện ở biến thể Delta. Đến nay, Omicron được coi là biến thể tồi tệ nhất trong đại dịch vì lượng đột biến khổng lồ và tính ưu việt của các đột biến đó. Dự báo biến thể này có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta và nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác.

Triệu chứng điển hình

Phát biểu với Telegraph, bác sỹ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi (SAMA), là người đầu tiên xác định sự tồn tại của biến thể Omicron, cho biết những bệnh nhân nhiễm biến thể này xuất hiện các triệu chứng rất bất thường nhưng đều ở thể nhẹ.

Triệu chứng ở hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy "rất mệt mỏi"; có thể đau cơ và mệt mỏi trong 1 hoặc 2 ngày, hoặc có thể ho nhẹ; không có bệnh nhân nào bị mất vị giác hoặc khứu giác.

Bác sỹ Angelique Coetzee đã tiếp nhận 20 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính và nhiễm biến thể Omicron, hầu hết là nam giới trẻ. Một nửa trong số này chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19.

Nữ bác sĩ có 30 năm hành nghề cho biết, tất cả bệnh nhân của bà (có bé gái mới 6 tuổi) đều rất khỏe mạnh nhưng vì biến chủng Omicron mới xuất hiện, chưa có nhiều kiểm chứng nên vẫn lo ngại về việc những bệnh nhân lớn tuổi hoặc không được tiêm phòng có thể bị virus tấn công nghiêm trọng hơn, đặc biệt là người có bệnh lý nền như tiểu đường hoặc tim mạch.