Bệnh viêm gan virus E - nguy hiểm cho phụ nữ mang thai
Đây là một bệnh khá lành tính, có thể tự khỏi và không để lại các biến chứng lâu dài như các loại virus viêm gan B, C, D. Tuy nhiên, bệnh trở lên ác tính và nguy hiểm với các phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, tỉ lệ tử vong lên đến 20%
Virus viêm gan E (HEV) là một virus hướng tính gan, lây qua đường tiêu hóa và gây ra các vụ dịch trong cộng đồng. Trên toàn cầu, mỗi năm có khoảng 20 triệu ca mắc, trong đó khoảng 3,4 triệu ca có biểu hiện thành bệnh lý cấp tính và 70.000 ca chết. Trên 60% ca nhiễm và 65% ca chết do viêm gan E xảy ra ở Đông Nam Á. HEV hay gặp ở các nước đang phát triển với tỉ lệ từ 0,2 đến 4% nhưng hiếm gặp ở các nước phát triển.
Cấu trúc virus viêm gan E (HEV) |
Đây là một bệnh khá lành tính, có thể tự khỏi và không để lại các biến chứng lâu dài như các loại virus viêm gan B, C, D. Tuy nhiên, bệnh trở lên ác tính và nguy hiểm với các phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, tỉ lệ tử vong lên đến 20% và diễn biến mạn tính ở các bệnh nhân ghép tạng, nhiễm HIV, dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Các triệu chứng của bệnh viêm gan virus E rất nhẹ nhàng, kéo dài vài ngày đến vài tuần, hầu hết là không có triệu chứng rõ ràng, không có vàng da và không được chẩn đoán. Một số trường hợp bệnh phát triển thành viêm gan cấp thì mới được chẩn đoán và khó có thể phân biệt với các loại bệnh lý viêm gan virus khác. Bệnh nhân khởi đầu có biểu hiện sốt hâm hấp, mệt mỏi, đau nhức toàn thân giống như cảm cúm. Có bệnh nhân thì khởi đầu kiểu tiêu chảy, nổi mề đay, đau xương khớp,…. Sau giai đoạn này thì da và mắt trở lên vàng, nước tiểu đậm màu, phân có màu nhạt như đất sét, bụng đau lâm râm khó chịu,buồn nôn và nôn, đau tức vùng gan. Bệnh cảnh này kéo dài một hai tuần thì các triệu chứng thuyên giảm và khỏi. Một số ít trường hợp viêm gan cấp tính có thể chuyển biến thành viêm gan ác tính và tử vong. Tỉ lệ tử vong do viêm gan E trong quần thể ở mức 0,5 – 4%. Viêm gan cấp tính nặng xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ có thai, đặc biệt là phụ nữ có thai 3 tháng cuối có tỉ lệ tử vong do viêm gan E lên đến 20%.
Chẩn đoán viêm gan E bằng lâm sàng là rất khó khăn do bệnh cảnh gần như tương tự các bệnh lý viêm gan virus khác. Thường phải dựa trên sự phát hiện kháng thể đặc hiệu Anti-HEV IgM (+) trong máu và một số xét nghiệm chuyên biệt như phản ứng chuỗi men polymerase RT-PCR phát hiện RNA của virus viêm gan E hay phát hiện virus dưới kính hiển vi điện tử miễn dịch
Viêm gan E không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu nghỉ ngơi, tránh bia rượu và các chất độc hại cho gan, dùng các thuốc hỗ trợ bảo vệ màng tế bào gan, tăng cường chuyển hóa, khử các gốc tự do, lợi mật,…
Virus viêm gan E có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm phòng, vệ sinh cá nhân và làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Chú ý: tiêm phòng vacxin gồm 3 mũi được tiêm vào tháng 0-tháng thứ 1 – tháng thứ 6.
BS Tuấn Anh