Hiện trên thế giới, một số nước đã triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 3 để tăng khả năng bảo vệ con người trước biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Một số nghiên cứu đã ghi nhận tỉ lệ kháng thể ở người đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ giảm phân nửa sau 108 ngày (khoảng 15 tuần). Sau khi tiêm vắc-xin khoảng 4-6 tháng, lúc đó kháng thể giảm và nếu bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2 sẽ có thể mắc bệnh nhưng không bị bệnh nặng.

Dù bệnh không nặng nhưng do các virus đã sinh sản trong cơ thể nên có thể lây bệnh cho người khác, vì vậy sẽ tăng khả năng lây lan. Trừ những người cao tuổi hoặc bị bệnh nền khiến hệ miễn dịch kém thì hiệu quả bảo vệ của vắc-xin sẽ giúp không bị bệnh nặng, không tử vong ít nhất là trong vòng 6 tháng đầu tiên. Vì vậy, việc xem xét tiêm ngừa mũi tăng cường (mũi 3) cho người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc người làm việc ở môi trường nguy cơ vào thời gian 6 tháng sau khi hoàn thành các mũi tiêm cơ bản (2 mũi đầu) là hợp lý nếu có đủ vắc-xin.

Nghiên cứu cho thấy có thể tiêm vắc-xin tăng cường (mũi 3) cùng loại vắc-xin cơ bản (mũi 1 và mũi 2) như vắc-xin Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Tuy nhiên, do tiên liệu việc cung ứng vắc-xin có thể khó khăn và dựa trên các lý thuyết miễn dịch, hiện một số nhà khoa học đã thăm dò khả năng sử dụng loại vắc-xin khác để tiêm mũi tăng cường.

           1. Tiêm mũi 3 là cần thiết

Thông tin đáng chú ý về việc tiêm vắc-xin cho người cao tuổi tại Israel mới đây như sau: số người đã được tiêm trong tháng 1 và tháng 7-2021, theo đó những người được tiêm vắc-xin vào tháng 1 có nguy cơ bị bệnh nặng gấp đôi so với người được tiêm gần đây. Điều này cho thấy việc tiêm mũi 3 ở người cao tuổi sau 4 - 6 tháng là cần thiết. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin mũi 3 tăng cường cũng nên quan tâm đến tính sẵn có. Nếu ở các địa phương trong cả nước còn nhiều người cao tuổi chưa được tiêm mũi 2 thì nên ưu tiên phân bổ vắc-xin cho những đối tượng này trước, sau đó mới tiến hành tiêm mũi 3 cho người cao tuổi, người có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu.

         

           2. Hướng dẫn của Bộ Y tế (17/12/2021)

Bộ Y tế ngày 17/12 cho phép tiêm liều vaccine thứ ba sau mũi cuối của liều cơ bản 3 tháng; người khỏi Covid-19 được tiêm ngay mà không chờ 6 tháng như trước. Như vậy, lần này Bộ Y tế rút ngắn khoảng cách tiêm liều nhắc lại xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi hai). Hướng dẫn mới dựa theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước.

 

(Một số định nghĩa cơ bản: Liều cơ bản là liều vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm..., mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy loại. Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, tiêm ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung).

 

Đối với những người đã mắc Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định - Đây là điểm mới của hướng dẫn này vì các hướng dẫn trước khuyến cáo là tiêm sau 6 tháng mắc covid.

Bộ Y tế cho phép tiêm liều bổ sung cho người đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V. Họ sẽ được tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Loại vaccine để tiêm là cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna). Người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc; hoặc liều bổ sung cho người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế. Họ sẽ được tiêm một mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vetor virus (vaccine Astrazeneca).

Vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt, liều lượng tiêm theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Các địa phương quyết định nhóm tiêm phù hợp thực tế, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12, căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine.

Tải văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế tại đây: Công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021