10 câu hỏi liên quan đến các xét nghiệm COVID-19
1) Những hạn chế của kỹ thuật phân tử trong chẩn đoán nhiễm COVID-19 là gì?
Âm tính giả có thể xảy ra đối với kỹ thuật phân tử gồm cách lấy bệnh phẩm, thực hiện xét nghiệm chưa chuẩn xác, thuốc thử sắp hết hạn, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm; dương tính giả có thể xảy ra khi một người bị nhiễm với một số virus khác.
2) Những mẫu bệnh phẩm nào nên được sử dụng để phát hiện SARS-CoV-2 bằng rRT-PCR?
Nghiên cứu cho thấy xét nghiệm rRT-PCR ở bệnh nhân bị COVID-19 cho kết quả RNA dương tính ở các bệnh phẩm như sau: dịch rửa phế quản (93%), đờm (72%), gạc mũi (63%), mẫu sinh thiết phổi xuyên phế quản (46%), gạc hầu họng (32%), phân (29%), máu (1%) và nước tiểu (0%).
3) Những hạn chế của xét nghiệm kháng thể trong chẩn đoán COVID-19 là gì?
Xét nghiệm kháng thể là xét nghiệm để phát hiện phản ứng miễn dịch của cơ thể người đối với SARS-CoV-2, không phải xét nghiệm phát hiện bản thân virus. Trong 5 ngày đầu nhiễm virus, đáp ứng miễn dịch mới bắt đầu, thường không phát hiện được IgM; quá 28 ngày, kháng thể IgM có thể biến mất, kháng thể IgG vẫn còn lâu dài sau khi đã khỏi bệnh. Vì vậy, không nên sử dụng xét nghiệm huyết thanh một mình để chẩn đoán COVID-19.
4) Có nên nuôi cấy virus để phục vụ chẩn đoán nhiễm COVID-19 không?
Không nên phân lập SARS-CoV-2 để nuôi cấy để chẩn đoán thường quy vì sự lây lan nguy hiểm có thể của chúng.
5) Chụp cắt lớp ngực (chest CT scans) có cần được sử dụng để chẩn đoán COVID-19 không?
Đại học X quang Hoa Kỳ (ACR) khuyến cáo không nên sử dụng CT để sàng lọc COVID-19, hoặc làm kỹ thuật đầu tiên để chẩn đoán COVID-19 thay cho rRT-PCR, và CT chỉ nên được sử dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng cần nhập viện với các chỉ định lâm sàng cụ thể.
6) Bệnh nhân có thể bị tái nhiễm sau khi hồi phục từ COVID-19 không?
Vẫn còn có những điều chưa chắc chắn, nhưng các chuyên gia của WHO cho rằng các báo cáo về các bệnh nhân dường như đã hồi phục nhưng sau đó xét nghiệm rRT-PCR dương tính trở lại không phải là tái nhiễm (reinfection), mà có thể là do "tái kích hoạt" (reactivate) của sự nhiễm virus kéo dài không được phát hiện bằng các xét nghiệm trong một thời gian.
7) Tại sao trẻ em thường bị COVID-19 nhẹ hơn người lớn và người già thường bị COVID-19 nặng hơn người trẻ?
Hệ thống miễn dịch của cơ thể có một sự cân bằng tinh tế. Ở người trưởng thành, bệnh COVID-19 có thể nghiêm trọng vì hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động mạnh, phản ứng miễn dịch quá mức, đôi khi có thể gây hại cho phổi nhiều hơn do chính mầm bệnh.
Ở trẻ em, hệ thống miễn dịch chưa đủ phát triển để chống lại mầm bệnh, vì vậy, phần lớn các trường hợp nặng ở trẻ là từ 5 tuổi trở xuống. Khi trẻ lớn dần, hệ thống miễn dịch ở sẽ đạt trạng thái vừa phải, đủ mạnh để kiểm soát nhiễm virus mà không gây phản ứng quá mức.
Ở người già, do COVID-19 thường nặng hơn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn do hệ thống miễn dịch của họ đã suy yếu và cũng do họ thường mắc kèm theo các mạn tính như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc bệnh thận.
8) Tại sao phụ nữ thường bị nhiễm COVID-19 nhẹ hơn nam giới?
Mức độ nặng và tỷ lệ tử vong do bệnh COVID-19 ở phụ nữ thường thấp hơn ở nam giới có thể là do vấn đề di truyền. Một số nhà khoa học cho rằng phụ nữ có xu hướng gắn kết với một phản ứng miễn dịch mạnh hơn, điều này một phần là do hầu hết phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X và nhiễm sắc thể X có chứa hầu hết các gen liên quan đến hệ thống miễn dịch. Một số hormone cũng có thể giúp phụ nữ một cách phòng thủ hiệu quả hơn.
9) Các tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm của khỏi bệnh COVID-19 là gì?
Các tiêu chuẩn để một bệnh nhân mắc COVID-19 xuất viện là:
- Tiêu chuẩn lâm sàng: không sốt trong 3 ngày, các triệu chứng hô hấp được cải thiện, hình ảnh phổi cho thấy sự giảm viêm rõ rệt, không cần chăm sóc tại bệnh viện đối với bệnh lý khác, đánh giá bác sĩ lâm sàng.
- Tiêu chuẩn xét nghiệm virus: bằng chứng về độ thanh thải SARS-CoV-2 trong các mẫu hô hấp; 2 đến 4 xét nghiệm RT-PCR âm tính đối với các mẫu đường hô hấp (gạc mũi và họng với khoảng cách lấy mẫu là 24 giờ). Xét nghiệm tối thiểu 7 ngày sau khi xét nghiệm RT-PCR dương tính đầu tiên được khuyến nghị cho những bệnh nhân có cải thiện lâm sàng sớm hơn.
- Tiêu chuẩn về xét nghiệm huyết thanh học: xuất hiện IgG đặc hiệu với xét nghiệm huyết thanh học thích hợp.
Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần được tiếp tục cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe thường xuyên.
10) Hướng phát triển của phương pháp chẩn đoán SARS-CoV-2 mới là gì?
Một nhóm tại Đài Loan gần đây đã tạo ra được một kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) có khả năng gắn một cách đặc hiệu vào protein nucleocapsid (N) của coronavirus SARS-CoV-2, có thể được sử dụng để sản xuất test nhanh. Một lợi thế nữa của kháng thể đơn dòng SARS-Cov-2 là nó không nhận ra protein N của 5 chủng coronavirus khác có thể gây cúm thông thường và do đó ngăn ngừa phản ứng chéo và dương tính giả. Trong tương lai, việc tổng hợp được kháng thể đơn dòng chống SARS-CoV-2 còn có thể được sử dụng trong trị liệu miễn dịch (immunotherapy) chống lại bệnh COVID-19.
BS Nguyễn Nghiêm Luật